Nối tiếp phần 1 của bài viết 48 thuật ngữ thường dùng trong ngành Content Marketing, Hiền tiếp tục gửi đến bạn 23 thuật ngữ còn lại để tụi mình hiểu rõ và sâu hơn về nghề nhé! Trong phần này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những khái niệm thường được nhắc tới trong công việc.
Chắc chắn là trong quá trình làm việc, bạn sẽ thường xuyên được nghe tới những khái niệm này. Trước sau gì cũng phải học, vậy thì hôm nay tụi mình cùng dạo qua một lượt để không bị bỡ ngỡ trong những ngày đầu làm việc nha. Cùng bắt đầu nào!
Các thuật ngữ trong quá trình thực hiện công việc
(25) Brief: là thuật ngữ chỉ văn bản mà Khách hàng (Client) cung cấp cho công ty dịch vụ Marketing (Agency), trong đó chứa đựng những thông tin cần thiết, cô đọng nhằm giúp Agency hiểu được trọn vẹn những yêu cầu của mình. Thông thường, cũng có thể hiểu đơn giản là bảng mô tả thông tin yêu cầu.
(26) Target Audience: là khách hàng mục tiêu – người có khả năng và có nhu cầu mua sản phẩm/dịch vụ mà bạn định bán. Đây là đối tượng mà công ty/doanh nghiệp phải xác định để có được chiến lược marketing hiệu quả.
(27) Campaign: là thuật ngữ chỉ chiến dịch tiếp thị quảng cáo sản phẩm thông qua các phương tiện khác nhau, bao gồm truyền hình, đài phát thanh, in và nền tảng trực tuyến. Dựa trên brief của khách hàng, agency sẽ tạo ra các campaign phù hợp với nhu cầu và khách hàng mục tiêu của khách hàng.
(28) Big Idea: Thuật ngữ chỉ ý tưởng chủ đạo trong chiến dịch marketing của một đơn vị/doanh nghiệp hay ý tưởng lớn cho riêng một chiến dịch nào đó. Bản chất của Big Idea là tạo sự kết nối giữa sản phẩm và khách hàng tiềm năng – một cây cầu cảm xúc vô hình khiến khách hàng cảm thấy quảng cáo này, sản phẩm này là cần thiết đối với cuộc sống của họ.
(29) Content Strategy: là Chiến lược Nội dung. Chiến lược này đưa ra định hướng, nguyên tắc, khuôn mẫu, cách thức, chiến thuật để phát triển nội dung cho mục tiêu tiếp thị. Một chiến lược nội dung tốt sẽ giúp xây dựng được khung sườn vững chắc cho cấu trúc website, tập trung vào những từ khóa tạo nên sự khác biệt (về SEO), xác định được những loại nội dung mà website sẽ bao quát, người viết, văn phong cũng như quy trình đăng bài, đi bài, và trên hết là đảm bảo phù hợp với nhu cầu, mong muốn của khách hàng mục tiêu trong từng giai đoạn phát triển của website/thương hiệu.
(30) Concept: những ý tưởng chủ đạo và xuyên suốt trong nội dung và hình thức của chương trình marketing. Concept tạo nên sự thống nhất, mục tiêu cho chương trình marketing của doanh nghiệp. Bạn sẽ thường hay nghe tới Brand Concept hay Brand Personality đều là hướng tới tính cách thương hiệu mà bạn mong muốn xây dựng đấy!
(31) Tone & Mood: Sau khi đã xác định được khách hàng mục tiêu và Big Idea cho mình, thường thì bước tiếp theo sẽ là xác định Tone & Mood (Giọng văn và Khí sắc) như màu sắc trong các hình ảnh sẽ như thế nào, các bài viết sẽ thể hiện điều gì chung (VD: vui vẻ, năng động, tự tin, thoải mái,…)
(32) Brand personality: tính cách thương hiệu, là những đặc điểm nổi bật nhất mà thương hiệu mong muốn hướng tới hoặc tự định hình để được mọi người cảm nhận được.
(33) USP: viết tắt của Unique Sell Point, dịch nghĩa là điểm bán hàng độc nhất. USP là một yếu tố để phân biệt sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn với đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như chi phí thấp nhất, chất lượng cao nhất, sản phẩm đầu tiên trên thị trường hoặc một số khác biệt khác.
(34) Content Angle: Content Angle được hiểu là cách tiếp cận chủ đề, góc nhìn để bắt đầu mỗi bài viết. Content Angle sẽ quyết định cách mỗi người kể câu chuyện của mình, làm sao để bài viết thực sự nổi bật hơn so với các bài khác cùng chủ đề.
(35) Content Pillar: Là những nhóm đề tài chính được phát triển từ Big Idea. Các nội dung pillar này có sứ mệnh định hình để nội dung trở nên nhất quán để đạt được mục đích đề ra, từ đó giúp bạn đủ sức dễ dàng triển khai với các định hướng không giống nhau mà không sợ bị lệch khỏi định hướng ban đầu. Hiểu đơn giản giống như khi bạn vào một trang web, trong trang web ấy có các chuyên mục lớn khác nhau thì mỗi chuyên mục lớn đó chính là 1 content pillar thuộc chủ đề chung của trang web.
(36) Slogan: Slogan là một câu văn ngắn chứa đựng thông điệp mang tính mô tả và thuyết phục về tính chất một thương hiệu. Slogan thường diễn tả một lời hứa, giá trị cốt lõi hay hướng phát triển sản phẩm của công ty. Thông thường, slogan được áp dụng lối chơi chữ – sự điệp âm, các kiểu chơi chữ và những từ ngữ có nghĩa mở rộng –điều gần như là bắt buộc trong các khẩu hiệu quảng cáo. VD: Biti’s – Nâng niu bàn chân Việt.
(37) Tagline: Tagline là một thuật ngữ chuyên môn trong lĩnh vực marketing nhằm định vị sản phẩm và triết lý của công ty khi kinh doanh. Đặc biệt, bạn sẽ thấy chúng thường xuất hiện ở các mẩu quảng cáo, clip giới thiệu doanh nghiệp hoặc các chiến dịch nơi doanh nghiệp tham gia để tạo ấn tượng, khiến người dùng luôn nhớ tới nhãn hàng.
(38) TVC: là cụm từ viết tắt của (Television Commercials). Một loại hình quảng cáo bằng hình ảnh, giới thiệu về những sản phẩm thương mại, hay một sự kiện nào đó được phát sóng trên hệ thống truyền hình. TVC quảng cáo thường được các nhà đài phát xen kẽ vào trước giữa hoặc sau nội dung chính của một chương trình. Thể loại quảng cáo này luôn có sức lan tỏa rộng, đối tượng khán giả đa dạng và không bị ràng buộc bởi không gian, thời gian hay khoảng cách địa lý.
(39) Storyboard: Storyboard hiểu đơn giản là một file được trình bày ý tưởng chi tiết cho việc triển khai quay TVC quảng cáo theo như ý tưởng/concept của Creative Director đã được nhãn hàng (client) duyệt trước đó.
(40) Hashtag: Hashtag bắt đầu với dấu # kết hợp với các từ hoặc nhóm từ nào đó. Hashtag được đưa vào trong các nội dung trên mạng xã hội chỉ đơn giản với dấu # đơn giản nhưng lại giúp các khách hàng lan tỏa được nội dung của họ tới những người có cùng mối quan tâm, chung sở thích hay như cách họ tham gia, tương tác với một nhóm người, một chiến dịch,…
(41) Call To Action: (viết tắt CTA) – Kêu gọi hành động: Các cụm từ hoặc các nút để khuyến khích người sử dụng để có một hành động nhất định nào đó. Ví dụ việc kêu gọi mọi người nhấp chuột vào một liên kết hoặc khuyến khích họ mua hàng.
(42) Backlink: Backlink là liên kết (link) trỏ tới trang web của bạn từ một website khác. Trang web có nhiều backlink tốt sẽ rất tốt cho thứ hạng tìm kiếm.
(43) SEO On-page: là tập hợp các phương pháp tối ưu hóa các yếu tố hiển thị ngay trên trang web nhằm cải thiện thứ hạng của trang web trên kết quả của công cụ tìm kiếm. Bạn có thể kiểm soát 100% kết quả của mình.
(44) SEO Off-page: là tập hợp các thủ thuật tối ưu hóa các yếu tố bên ngoài website, bao gồm xây dựng liên kết (link building), marketing trên các kênh social media, social media bookmarking, … giúp website lên top Google, kéo về hàng nghìn traffic.
Các khái niệm khi nghiên cứu về Content Marketing
(45) Case Study: Case study là những gì thuộc về tình huống, hoàn cảnh, sự việc có thật trong thực tế, mà có thể áp dụng các kiến thức lý thuyết vào để phân tích, tìm hiểu, mổ xẻ vấn đề. Nói cách khác, case study là các ví dụ thực tiễn cho việc học thêm hiệu quả. Những ví dụ điển hình trong ngành hoặc trong công ty, thường được đưa ra để phân tích, mổ xẻ, học hỏi hay rút kinh nghiệm chính là case study đấy!
(46) Trend: dịch đơn giản từ Tiếng Anh thì nó có nghĩa là xu hướng, xu thế. Trend trong Marketing là xu hướng mới được xuất hiện trên thị trường. Bạn cần nắm bắt được những xu hướng này để đưa ra chiến lược marketing đúng thời điểm và mang lại hiệu quả cao.
(47) Viral: nội dung nào đó phổ biến nhanh chóng, được biết đến bằng cách xuất hiện trên Internet hay gửi từ người này sang người kia thì được gọi là viral.
(48) Phân biệt viral: Viral có 2 loại là nghe và nhìn
Viral loại nghe đó chính là những câu nói, slogan hay nhạc viral khiến người nghe sẽ luôn nhớ tới nội dung và gắn liền với sản phẩm, thương hiệu.
Viral loại nhìn đó chính là các dạng banner, đặc biệt là video viral, clip viral để quảng cáo thương hiệu.
Nguồn tham khảo:
- https://www.thuatngumarketing.com/
- https://www.brandsvietnam.com/
- https://marketingai.admicro.vn/
- https://kienthucseo.vn/
- https://gtvseo.com/
Còn rất nhiều các thuật ngữ trong ngành Content Marketing mà càng đi sâu, càng khám phá bạn sẽ càng có thêm nhiều thông tin mới mẻ. Hành trình của những con người sáng tạo con chữ không bao giờ kết thúc vì mỗi ngày chúng ta đều phải cập nhật thông tin, kết nạp thêm những kiến thức mới để không ngừng trau dồi và nâng cao kỹ năng của mình.
Hy vọng với bài viết này đã giúp bạn có được những kiến thức nhập môn để tự tin bước chân vào con đường Content Marketing nhé! Nếu còn chưa rõ làm Content Marketing là làm gì thì bạn có thể subscribe Góc Của Hiền và đọc những bài viết mới nhất trong chuyên mục Viết.
Chúc bạn thành công.