Trong năm đầu đời của con hầu như tháng nào tụi mình cũng phải ẵm em đi tiêm phòng phải không các mẹ? Sau khi tiêm thì mọi người biết rồi đấy, em bé sẽ rất dễ sốt, mệt mỏi và quấy khóc. Hiền cũng là lần đầu có bé nên có hơi lúng túng khi lần đầu chăm sóc em bé sau khi tiêm phòng. Nhận thấy việc này khá là quan trọng và cũng nhiều mẹ cần nên sau khi đọc thông tin ở nhiều nơi, Hiền đã tổng hợp được một số kinh nghiệm để chia sẻ đến mọi người đây. Cùng đọc nhé!
Một số lưu ý trước khi cho bé đi tiêm phòng
- Hãy thông báo cho bé biết về việc con sẽ được tiêm phòng. Bố mẹ nên chia sẻ cho con với tâm trạng thật bình thường, không được nói dối bé là không đau, có thể nói rằng sẽ đau một chút, cho dù bé có hiểu hay không.
- Thời gian tiêm phòng: Sáng bé ngủ dậy, cho bé ti sữa và sau đó đưa đi tiêm, không tiêm khi bé đang ngủ. Vậy nên mẹ nên đánh thức bé dậy một lúc trước khi tiêm nhé!
- Để bé đỡ nóng sốt sau khi tiêm phòng, trước và trong ngày tiêm mẹ nên ôm và cho bé bú mẹ liên tục (Bé trên 06 tháng thì dặm nước cho bé thường xuyên thêm nữa) nhé!
Phản ứng thường gặp của bé sau khi tiêm phòng
- Tại chỗ tiêm: đau, sưng, nóng.
- Toàn thân: Trẻ có thể sốt nhẹ, quấy khóc, bú kém. Các triệu chứng thường hết sau vài giờ đến 1 – 2 ngày.
- Trẻ dễ bị giật mình. Do đó bố mẹ sau khi con tiêm nên nhẹ nhàng, không làm tiếng ồn lớn (như hắt xì mạnh, nói to, hoạt động có tiếng ồn lớn như khoan, đục,…) để tránh làm con hoảng sợ, dễ khóc nhé!
- Đối với các loại vắc xin 5 in 1 hay 6 in 1: Các mũi tiêm sau, trẻ thường có phản ứng sau tiêm mạnh hơn so với những lần tiêm trước do đã có miễn dịch trước đó như sốt nhiều hơn, tại chỗ tiêm có thể đỏ, sưng nhiều hơn hoặc lan ra toàn bộ tay chân bên tiêm, thường tự khỏi trong vòng 3 – 5 ngày.
- Đối với vắc xin Rota: Bé có thể bị rối loạn tiêu hoá, đi phân lỏng và sủi bọt nhẹ, và thường tự khỏi sau vài ngày.
Kinh nghiệm chăm sóc em bé sau khi tiêm phòng
Cho bé ăn như thế nào?
- Cho bé ti mẹ nhiều hơn ti bình: lúc này đầu ti mẹ sẽ đọc hiểu được vấn đề bệnh của con, thành phần sữa mẹ sẽ thay đổi giúp bé khoẻ nhanh hơn.
- Cho bé ti theo nhu cầu: khi trẻ sốt, nên cho bé ti theo nhu cầu, lúc này bé rất mệt, mỗi cữ ti rất lắt nhắt không hiệu quả, hãy tôn trọng nhu cầu bé lúc này, việc ti sữa sẽ giúp trẻ bù nước và cũng giảm phần nào nhiệt độ cơ thể trẻ. Nếu trẻ đã ăn dặm thì cấp nước thêm cho bé.
- Cho bé ti mẹ/uống nước/uống sữa thường xuyên. Sau tiêm mà thấy nóng là cần tăng tần suất liên tục. Mỗi lần 1 ít nước, sữa mà liên tục mới hiệu quả.
Cho bé ngủ như thế nào?
- Cho bé ngủ đủ giấc.
- Bé ngủ gật? Ngủ tràn nap? Hãy cho bé ngủ, cơ thể bé lúc này rất mệt mỏi, trẻ cần ngủ bạn cứ cho bé ngủ, đừng lo mẹ nhé!
- Nút chờ: bé sốt mình không dùng nút chờ nhé, bé chuyển giấc không được thì mẹ nên hỗ trợ luôn cho con ngủ lại.
- Để bé ngủ ngon, sau khi tiêm bạn vẫn có tể sử dụng điều hoà, nên để nhiệt độ phòng vừa phải thôi nhé!
- Mặc đồ thoáng mát cho con, kiểm tra nhiệt độ bé thường xuyên.
Chăm sóc khi bé sốt
- Nếu thấy con nong nóng thì mẹ có thể áp dụng thêm các phương pháp dân gian.
- Hạ sốt từ nước cốt lá rau má, lá diếp cá, lá húng chanh, lá tía tô, lá nhọ nồi. Có lá nào mẹ rửa sạch. Xay cho con uống nước cốt và đắp bã lên trán.
- Dùng chanh chà nhẹ trán, bẹn, lòng bàn chân, lòng bàn tay, lưng.
- Dùng tinh dầu tràm, cao ấm mát xa lưng, tay, chân.
- Dùng phương pháp Da Kề Da. Mẹ ôm con tiếp da và thủ thỉ: Con là em bé khỏe mạnh. Con chóng khỏe. Mẹ yêu con.
- Vết tiêm sưng thì lấy khăn sạch bọc viên đá nhỏ. Chườm xung quanh vết tiêm
- Mẹ nào đi làm thì cố gắng nghỉ phép hôm con tiêm để chăm con.
- Có nên tắm cho bé không? Câu trả lời là vẫn tắm cho bé bình thường nhé mẹ. Tắm xong trông con hoạt bát hơn hẳn vì được hạ nhiệt, lời khuyên là nhiệt độ nước ấm và tắm thật nhanh cho bé nhé!
Ngoài ra, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bạn nên đưa con đến bệnh viện ngay khi:
- Trẻ sơ sinh 0-3 tháng sốt từ 38°C trở lên.
- Trẻ từ 3-5 tháng tuổi, sốt lên đến 38°C hay cao hơn.
- Trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi, sốt khoảng 39°C hoặc cao hơn.
Ngoài ra, không cần biết trẻ ở độ tuổi nào, nếu bạn nhận thấy con có bất kỳ dấu hiệu khác thường hay triệu chứng nhiễm trùng nghiêm trọng như li bì, mệt ỏi hay khó thở,… Hãy đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức.
Nguồn tham khảo:
- Bài viết của mẹ Bánh Bao tại Group EASY: Giúp bé ăn no, ngủ đủ – Bố Ken
- Bài viết Những điều cần biết sau khi tiêm chủng của VNVC.
- Thông tin từ bạn Mỹ Ngà.
Hy vọng là bài viết này sẽ giúp các mẹ có thêm kinh nghiệm để chăm sóc bé thật tốt sau khi tiêm phòng nhé!
Đọc thêm các bài viết khác trong chủ đề có liên quan:
- Tìm hiểu về tử cung lạnh và cách điều trị/phòng tránh
- Những Món Quà Bạn Có Thể Chọn Cho Mẹ Bầu Sắp Sinh/Mới Sinh
- Gợi ý tặng quà đầy tháng cho mẹ và bé
- Những cuốn sách hay về nuôi dạy con dành cho người lần đầu làm mẹ
- Giới thiệu những cuốn sách hay cho bé từ 0 – 3 tuổi
- Những kỹ năng cơ bản Ba Mẹ cần chuẩn bị trong tuần đầu đón con
- Danh sách đồ chuẩn bị đi sinh cho các Mẹ sinh con lần đầu