Khi bé sinh ra đời, hẳn các Ba Mẹ lần đầu đón con sẽ có rất nhiều điều bỡ ngỡ và lóng ngóng khi chưa có sự chuẩn bị kỹ càng và chu đáo. Nếu biết trước những kỹ năng cơ bản cần chuẩn bị, tuần đầu tiên đón con sẽ không quá khó khăn, nhất là với những Ba Mẹ trẻ. Hôm nay cùng Hiền chúng ta cần chuẩn bị những gì để trải qua tuần đầu tiên thật trọn vẹn cùng con nhé!
Cách bế bé đúng cách

Đây là một trong những kỹ năng cơ bản nhất mà Ba Mẹ cần chuẩn bị. Việc bế bé đúng cách cũng rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho bé trong những ngày đầu đời.
Cách bế trẻ sơ sinh lên
- Luồn một tay xuống dưới cổ bé để đỡ lấy đầu bé.
- Tay kia luồn dưới lưng và mông bé để đỡ phần thân dưới một cách chắc chắn.
- Mẹ có thể sử dụng cánh tay để đỡ phần thân bé và áp vào người mình.
- Nâng bé từ từ lên.
Cách đặt trẻ sơ sinh xuống
Khi đặt con xuống bạn cũng phải nhớ giữ đầu bé. Hãy đặt bé xuống nhẹ nhàng như với cách bế trẻ lên, sao cho toàn bộ cánh tay bạn đỡ lấy xương sống, cổ và đầu bé.
Cách bế bé lên từ tư thế nằm ngửa
Trẻ sơ sinh phải luôn được đặt nằm ngửa khi ngủ hoặc khi thay tã. Chính vì vậy chúng ta sẽ thường xuyên bế trẻ lên từ tư thế này. Nếu con bạn đang ngủ tốt nhất là bạn đánh thức bé nhè nhẹ trước khi bạn bế bé lên. Sẽ dễ dàng hơn khi bạn cúi sát xuống trước khi nâng bé lên.
- Bước 1: Đỡ lấy gáy và mông của trẻ.Cúi sát về phía bé và luồn một bàn tay dưới đầu và cổ bé đồng thời tay kia đỡ mông trẻ. Bạn cũng có thể luồn tay từ bên hông hay từ giữa hai chân bé.
- Buớc 2: Nhẹ nhàng nâng bé lên: Vẫn còn cúi hẳn về phía trước, bạn đỡ lấy toàn bộ trọng lượng của cơ thể vào hai bàn tay, bảo đảm đầu của bé phải được giữ vững.
- Bước 3: Đưa bé vào tầm ngực của bạn: Bạn đứng thẳng hơn và xoay cho bé song song với cơ thể của bạn, đưa bé về phía ngực của bạn. cố giữ cho đầu bé hơi cao so với thân mình.
- Bước 4: Để bé nằm trên chỗ gấp khuỷu tay. Khi đưa bé vào sát ngực của bạn, hãy luồn bàn tay đang đỡ mông bé lên để đỡ cả đầu bé. Gập cánh tay kia của bạn lại ngang với thân mình bạn và để đầu bé tựa trên chỗ gập đó, cho bé nằm dọc theo cánh tay. Dùng bàn tay còn lại để đỡ phụ cánh tay ấy.
Nếu đọc còn khó hiểu, bạn có thể xem video bên dưới để xem cách bế bé đúng cách như thế nào nhé!
Cách cho con bú đúng cách
Khi nào bé cần bú?
Việc cho con bú nên để thuận theo nhu cầu của bé – nên cho con bú khi con đói. Ban đầu, trẻ có thể đòi bú thường xuyên mỗi 2-3 tiếng một lần. Trong một ngày, cần cho trẻ bú thường xuyên, trung bình 8 – 12 cữ bú.
Cách cho con bú đúng cách
Chuẩn bị:
- Tay và ngực mẹ rửa sạch
- Mẹ chọn tư thế cho con bú để mình cũng được thư giãn, thoải mái nhất
Các bước cho con bú:
- Bước 1: Mẹ bế bé áp vào người mẹ, đầu bé hơi ngửa một chút, đặt đầu vú mẹ ngang với mũi, chạm nhẹ vào môi trên của bé, chờ bé há to.
- Bước 2: Khi bé bắt đầu há miệng to để ngoạm sâu vào vú mẹ, cằm bé sẽ có thể chạm vào vú mẹ trước, mũi của bé có khoảng cách với bầu vú mẹ, còn đầu bé thì ngửa ra, giúp đưa lưỡi chạm tới bầu ngực càng nhiều càng tốt.
- Bước 3: Bé bú bằng cử động của lưỡi và hàm dưới. Miệng bé gắn chặt vào quầng vú, bé ngậm vú kín miệng. Phần lớn quầng vú sẽ nằm trong miệng bé. Khi bé đang mút, mẹ sẽ không nhìn thấy núm vú, mà chỉ thấy phần bên ngoài của quầng vú.
Vì sao cần cho bé bú đúng khớp ngậm?
- Giúp lưỡi massage vào đúng đầu dây thần kinh, phản xạ tiết sữa mất khoảng 2 phút từ khi đầu dây thần kinh được kích thích.
- Giúp lưỡi và vòm họng trên “ép vắt sữa” ngay phần ống dẫn sữa phình ra to nhất mỗi đợt tiết sữa giúp bé bú được nhiều hơn, ống sữa thông nhanh hơn.
- Vị trí cổ ngửa giúp bé nuốt dễ hơn, đồng thời khi đầu bé không tì lên ngực mẹ giúp các ống sữa chảy thông thoáng hơn.
- Tạo sự chênh lệch áp suất trong họng và bên ngoài tạo thành lực hút ổn định và “bám chắc”, giúp tối ưu lượng sữa truyền từ mẹ sang con.
Một số dấu hiệu cho thấy ngậm bắt vú đúng cách
- Miệng trẻ há to
- Môi dưới trề ra
- Cằm áp sát vào bầu ngực mẹ
- Hai má phồng
- Đôi khi chúng ta sẽ nghe được tiếng trẻ nuốt sữa
Tham khảo các tư thế bú mẹ đúng tại đây:
Làm sao để biết trẻ đã bú đủ chưa?
Trẻ bú đủ khi có tiêu, tiểu, nước tiểu màu vàng nhạt. Trẻ ngủ yên từ 2 – 3h.
Đối với ngày đầu sau sinh, trẻ bú no có thể chỉ ngủ từ 1-2 tiếng.
Vỗ ợ hơi
Cha mẹ nên vỗ lưng cho bé ợ hơi sau mỗi lần bú hoặc giữa cữ bú, khi cho trẻ bú được một nửa bình sữa hoặc khi sau khi bé đã bú xong một bên vú, mẹ nên vỗ lưng cho bé ợ hơi trước khi chuyển bé sang bú vú bên kia. Đối với những trẻ thường nôn trớ thì cha mẹ nên cho bé ợ hơi thường xuyên hơn. Dù là cữ bú ngày hay đêm thì trong những tháng đầu đời, cha mẹ nên cố gắn vỗ ợ hơi đều đặn cho con.
Cách pha sữa cho con (nếu sữa mẹ chưa về)
Cách pha sữa Meiji thanh số 0 cho trẻ sơ sinh
Bước 1: Loại sạch vi khuẩn ra khỏi bình sữa, núm vú, thìa, cốc,… bằng cách tiệt trùng các dụng cụ pha sữa. Cách đơn giản vẫn thường được áp dụng và hiệu quả rất cao là sử dụng bình tiệt trùng bình sữa hoặc hãy đun sôi các dụng cụ pha sữa trong 5 phút sau đó hãy vớt ra. Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi và sữa nhé.
Bước 2: Để thực hiện cách pha sữa Meiji thanh chuẩn nhất, mẹ cần cân nhắc theo số tuổi và cân nặng của bé theo bảng dưới đây:
Bước 3: Tiến hành pha sữa Meiji thanh số 0 bằng cách lấy một lượng nước sôi để nguội chừng khoảng 70 độ C. Công thức pha sữa Meiji thanh rất đơn giản: Với mỗi viên sữa tương ứng với 40 ml nước, bạn chỉ cần xác định bé cần bao nhiêu ml sữa rồi lấy 2/3 lượng nước cho vào bình rồi thả các viên sữa vào lắc đều cho tan hết. Cho tiếp 1/3 lượng nước còn lại vào sau cùng rồi lắc đều cho tan quyện vào nhau.
Chú ý: Để thực hiện cách pha sữa Meiji thanh đúng và đảm bảo, nước dùng để pha sữa cần được tiệt trùng sạch sẽ (có thể dùng nước lọc hoặc các loại nước đã được tiệt trùng sử dụng) rồi đun sôi.
Bước 4: Cách pha sữa Meiji thanh đúng là sau khi pha, sữa có nhiệt độ từ 37 đến 40 độ C. Một nhiệt đột tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh và bé. Vì vậy sau khi pha mẹ có thể làm dịu nhiệt độ bằng cách ngâm vào nước nguội.
Bước 5: Mẹ có thể kiểm tra nhiệt độ sữa bằng cách lấy một chút sữa vào cổ tay bạn. Nếu cảm thấy sữa ấm vừa thì có thể cho bé uống được. Điều này rất quan trọng để tránh gây bỏng hoặc bị rát lưỡi cho trẻ em.
Bước 6: Cho bé uống sữa: Kỹ thuật cho uống sữa giống như các động tác cho bú thông thường, chú ý nghiêng bình sữa một cách hợp lý.
Vệ sinh răng miệng cho trẻ
Nên được thực hiện thường xuyên.
Vệ sinh nướu lưỡi cho trẻ bằng khăn sạch, thấm nước, 2 lần/ngày, một lần buổi sáng, một lần buổi tối, sau cữ bú.
Cách tắm cho con
Chuẩn bị đồ dùng
- Hai chậu tắm
- Nước nóng ở nhiệt độ phù hợp
- Sữa tắm
- Khăn tắm
- Khăn lau người cho trẻ sau khi tắm xong
- Quần áo sạch
Cách tắm cho con
- Nhớ lau sạch phần bộ phận sinh dục và phần hậu môn cho trẻ trước khi tắm.
- Lấy một khăn sạch, thấm nước, lau hai mắt cho trẻ – từ góc mắt trong lau ra nhẹ nhàng. Sau đó lau mặt cho trẻ.
- Khi tắm da đầu, tóc, tay không thuận hỗ trợ đầu và vai trẻ. Nếu muốn dùng xà phòng thì nhỏ 1 giọt dầu gội hoặc sữa tắm, nhẹ nhàng mát xa toàn bộ da đầu. Sau đó rửa nhẹ nhàng với khăn ướt, hoặc trực tiếp rửa nước, cẩn thận tránh xà phòng chảy xuống mặt trẻ vì lúc này phản xạ nhắm của trẻ còn khá yếu. Nên nhúng nước bằng khăn sữa rồi nhẹ nhàng lau đầu cho trẻ.
- Sau đó rửa phần thân trước, và đi xuống phần bẹnh, bộ phận sính dục, sau đó chuyển qua phần thân sau và mông. Sau đó đến tay chân, và nhớ tắm giữa các kẽ tay, kẽ chân của trẻ.
- Da trẻ rất mỏng manh nên không cần chà xát, kì cọ người mà chỉ cần lấy tay mát xa các vùng là được. Chỉ cần tập trung vệ sinh ử vùng nếp gấp cổ, sau tai, nách và bẹn – và không cần chà xát.
- Mỗi lần tắm chỉ nên kéo dài khoảng 5 phút
Xem chi tiết cách hướng dẫn tắm bé của Bệnh viện Từ Dũ ở đây để dễ hình dung nha:
Cách giặt quần áo cho con
- Quần áo cho bé sơ sinh phải giặt riêng. Không giặt chung lẫn quần áo bẩn của người lớn. Quần áo của bố mẹ khi đi làm có rất nhiều vi khuẩn. Nếu giặt chung quần áo với người lớn sẽ có nguy cơ bé sẽ bị lây vi khuẩn từ những bộ quần áo đó.
- Không nên ngâm chung quần áo và tã đã dính bẩn. Nên xả sạch vết bẩn trước. Sau đó ngâm trong nước lạnh và giặt lại như bình thường.
- Nếu trong nhà có vật nuôi như chó, mèo… Mẹ nên để đồ của bé xa tầm với của vật nuôi. Vì lông thú nuôi có thể gây kích ứng, ngứa ngáy, di ứng cho làn da của trẻ
- Không sử dụng thuốc tẩy cho tất cả các đồ dùng của bé
- Không nên ngâm quần áo của bé quá lâu. Thời gian ngâm chỉ khoảng 30 phút là đủ. Nếu ngâm quần áo quá quá lâu, chất bẩn sẽ ngấm ngược trở lại. Và làm đồ dùng của bé bị hôi hơn.
- Nhiều mẹ cho rằng nên giặt đồ cho trẻ sơ sinh bằng nước nóng. Điều này cực kỳ sai lầm. Nếu không bị lấm bẩn mẹ có thể giặt bằng nước lạnh. Nếu bị dính bẩn mẹ ngâm bằng nước ấm trước khi giặt. Để tiêu diệt vi khuẩn trong quần áo.
Nguồn tham khảo
- Sổ tay 30 Ngày Đầu Làm Mẹ – ReadyMom
- Cuốn sách Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng! – BS. Trần Thị Huyên Thảo
- http://mekonghospital.vn/index.php/component/content/article/37-tin-tuc-trang-chu/146-cach-b-tr-s-sinh-ung-cach-theo-hng-dn-ca-iu-dng.html
- https://phuongchau.com/khop-ngam-dung-%E2%80%9Cchia-khoa-nuoi-con-sua-me-thanh-cong%E2%80%9D-119
- https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/huong-dan-vo-lung-o-hoi-cho-be-sau-khi-bu/
- https://shoptretho.com.vn/tin-tuc/huong-dan-pha-sua-meiji-thanh-so-0-cho-tre-em-cuc-chuan/
Đọc thêm các bài viết khác trong chủ đề có liên quan: