NỮ QUYỀN TRONG LỜI NÓI CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ AN NAM XƯA
(Review cuốn sách Nhời Đàn Bà – tác giả Nguyễn Văn Vĩnh)
“Phụ nữ An Nam ngày nay không còn như xưa nữa. Phụ nữ An Nam ngày nay đã đúng khi họ muốn thay đổi, bởi cuộc sống không hề bất động, và cần phải vận động như chính nó đòi hỏi”.
– Trích “Phong trào phụ nữ An Nam” trên L’Annam nouveau
Nữ quyền thực ra đã được coi trọng từ lâu. Và để thực hiện được sự bình đẳng trong xã hội, dù là xưa hay nay, những người phụ nữ phải tự mình thay đổi và thể hiện được sự bình đẳng đó. Sự bình đẳng không đến từ việc họ phải trở nên mạnh mẽ, phải làm những công việc nặng nề xốc vác như đàn ông mà đơn giản là thể hiện thông qua việc làm tốt những gì mình đang đảm đương như làm vợ, làm mẹ, chăm sóc nhà cửa, gia đình, con cái,… và thông qua sự thông tuệ của lời nói. Học thức của họ cần phải được nâng lên, để mỗi lời nói ra đều trở nên có giá trị và mang tính thuyết phục.
Trước khi đọc “Nhời Đàn Bà” của tác giả Nguyễn Văn Vĩnh, tôi luôn nghĩ rằng những người phụ nữ Việt Nam phong kiến xưa luôn bị lép vế và bị đứng sau trong mọi cuộc đối thoại, đi kèm với đó là sự chơi vơi, vô định về thân phận đời mình khi không hề có quyền được quyết định mà chỉ mặc nhiên tuân theo gia đình. Tôi đâu ngờ rằng, thực ra những người phụ nữ xưa đã có tiếng nói riêng của mình từ rất lâu.
Năm 1907 khi thời báo Đăng cổ tùng báo – tờ báo in bằng tiếng Việt đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam có thêm chuyên mục Nhời Đàn Bà, tiếng nói của những người phụ nữ lại càng trở nên sâu sắc và mạnh mẽ khi người chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh dưới bút danh Bùi Thị Loan đã thay lời chị em giãi bày những chuyện mà cho đến tận bây giờ vẫn còn giữ nguyên tính thời sự.
Đọc “Nhời Đàn Bà”, một trong những điều làm tôi ngạc nhiên khôn tả là vào những năm đầu thế kỷ XX xa xưa ấy, những lời chia sẻ của thị Đào Thị Loan đã khiến những người như chúng ta hiện giờ phải giật mình thảng thốt. Giật mình bởi vỡ ra một lẽ, hóa ra người phụ nữ ta ngày xưa đã có những suy nghĩ tiến bộ đến vậy. Tưởng như những nếp nghĩ tân thời như chế độ một vợ, một chồng; vai trò quan trọng của người mẹ trong việc chăm sóc con cái; thai sản, chăm sóc con cái đúng cách; … thời hiện đại mới có, thì thời điểm đó, Thị Loan đã nói rất rõ ràng và mạch lạc. Cái hay nữa là những lời đó được thể hiện rất chân thật, thực tế, đánh đúng vào suy nghĩ của các bà, các mẹ, thậm chí là các ông với một lời lẽ vừa thẳng thắn, vừa khúc chiết. Như cái nỗi người xưa thường bắt con cái dựng vợ gả chồng sớm, Thị Loan bảo rằng “Cái giá thú là cái lo, mà ở đời có mùa xuân là quý, mới nhóm mùa xuân, sao các cụ đã bắt vợ chồng, trước nữa là sinh nở sớm quá, không được con cái khỏe mạnh, sau nữa ba tuổi ranh, làm con còn chưa xong, đã làm vợ, làm mẹ thế nào được?”. Hay chuyện vợ chồng, theo thị cũng nên một vợ một chồng thì mới phải, dù khi đó chuyện năm thê bảy thiếp ở các ông là chuyện đương nhiên. Thị Loan có viết rằng: “Người quân tử nói phải trọng đàn bà hèn yếu, các ông muốn trọng , thì hẳn trước hết phải công minh đã. Muốn cho vợ có một chồng thì mình phải có một vợ. Nhưng lại còn một lý nữa. Người sinh ra ở đời, đến lúc chết phải có người kế chân. Nước Nam ta xưa nay có cái tục trọng con là hay, mà hơn người ta chỉ được có một điều ấy. Ngộ lấy một người vợ nhưng không con thì làm thế nào? Luật nghe dâu hễ lấy nhau được 5 năm không có con, thì chồng có phép bỏ vợ lấy vợ khác, nhưng cũng khó xử lắm…”
Những suy nghĩ tân tiến của Thị Loan khi ấy không chỉ được giới nữ quan tâm, mà những quý ông trí thức thời bấy giờ cũng góp phần trao đổi. Những cuộc trao đổi tưởng như không hồi kết về chế độ một vợ một chồng như đã kể trên hay chuyện ở cữ của đàn bà sau sinh, chuyện chăm sóc con cái,… của những độc giả khó tính lại làm cho chuyên mục Nhời Đàn Bà của Đăng Cổ Tùng Báo càng thêm nhộn nhịp. Cuộc trao đổi giữa những người đàn ông, đàn bà trí thức và Thị Loan khiến tôi cảm thấy tiếng nói của người phụ nữ An Nam đã được củng cố rất nhiều rồi. Khi ấy, chia sẻ của phụ nữ về những vấn đề mang tính thời sự đã được lan tỏa và nhận được những phản hồi tích cực. Sự tôn trọng của những người đàn ông dành cho chủ chuyên mục Đào Thị Loan cũng được thể hiện qua những phản hồi cho bài viết của thị. Có thể nhận thấy, khi phụ nữ chia sẻ thuyết phục với lời lẽ hợp lý, chi tiết và sâu sắc, thì những lời phản hồi nhận lại cũng sẽ thể hiện sự tôn trọng cao, mang tính đồng đẳng nhiều hơn.
Lời của Đào Thị Loan – Lời của những người phụ nữ An Nam thuở ấy – thực ra là lời của chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh. Ông là một học giả, một nhà báo, một nhà trí thức tân học, nhà tư tưởng, dịch giả trứ danh đầu thế kỷ XX. Bằng một tư tưởng vô cùng thức thời, những bài viết của ông dưới bút danh Đào Thị Loan đã đánh động tới tư tưởng của những người phụ nữ An Nam thời bấy giờ. Không phải ai cũng có may mắn được gia đình chỉ dạy đầy đủ, bởi vậy những bài viết trên trong chuyên mục Nhời Đàn Bà đã giúp những người phụ nữ tự nhận thức được tầm quan trọng của bản thân, học hỏi thêm nhiều điều mới để hoàn thành tốt hơn vai trò của người vợ, người mẹ. Điều tôi cảm thấy vô cùng ấn tượng ở ông, là trong những bài viết ấy, Nguyễn Văn Vĩnh luôn mong muốn những điều tốt nhất cho những người phụ nữ, mong muốn họ phải tự biết chăm sóc lấy mình, bởi lẽ ông cho rằng, chỉ khi chăm sóc tốt bản thân, vui vẻ và khỏe mạnh thì họ mới có thể làm tốt những vai trò khác được. Đứng ở vai trò của những người phụ nữ để giãi bày tư tưởng, Nguyễn Văn Vĩnh mang lại cho họ những ý thức mới để tạo cho mình một vị thế cao hơn, một vai trò quan trọng hơn trong gia đình và xã hội. Phải là một người có tư tưởng nam nữ bình quyền, sự thương cảm và tôn trọng sâu sắc với người phụ nữ và thực sự mong muốn mang lại tiếng nói cho những người phụ nữ yếu đuối, thì Nguyễn Văn Vĩnh mới có thể tạo ra được những bài viết thực sự có giá trị như vậy.
Đọc Nhời Đàn Bà, không chỉ tận hưởng việc học hỏi những điều mới mẻ dưới những lời truyền dạy của người xưa, còn có một điều thú vị nữa chính là việc đọc sách thông qua ngôn ngữ vô cùng thuần Việt. Những lời trao đổi viết ra sử dụng những từ ngữ như trong văn nói, nhưng lại rất chau chuốt, thể hiện được ngụ ý của người viết, mang lại cảm giác rất gần gũi và dễ nhớ. Có những từ đến bây giờ khi đọc còn cảm thấy là lạ, ngồ ngộ như nhời (lời), nhớn (lớn), nhẽ (lẽ), thổ bé (thuở bé), giả nhời (trả lời), đứng quân tử (đấng quân tử),… nhưng kỳ thực, đọc những lời viết giống tựa cách đọc khiến người đọc cảm thấy như người chủ bút ấy đang ở ngay kế bên mình mà chuyện trò, chia sẻ. Cảm thấy rất thật. Có đôi khi cũng tự hỏi, sao hiện thời chúng ta không còn giữ những cách nói ấy để mà lời nói trở nên Việt Nam hơn, sao cứ phải chạy theo những ngôn ngữ xa lạ như teen code hay ngôn ngữ mạng, thật là chẳng thể hiện được văn hóa Việt gì cả.
Khép lại những trang sách của Nguyễn Văn Vĩnh, là một người phụ nữ của thế kỷ XXI, cách xa cái thời của Đào Thị Loan đến cả trăm năm, nhưng khi đọc “Nhời Đàn Bà” tôi cảm thấy bản thân mình học hỏi được rất nhiều thứ. Không chỉ là lời tâm tình, chia sẻ dành cho những người đàn bà với nhau, những bài viết trên chuyên mục “Nhời Đàn Bà” còn là cách để những người phụ nữ An Nam thời đấy và những hậu duệ sau này học hỏi được nhiều điều để làm cho bản thân tốt đẹp hơn, giữ được nét cốt của người phụ nữ Việt, đồng thời vun vén vẹn tròn chuyện gia thất, chuyện chăm sóc bản thân, chuyện nuôi dạy con cái và những điều hay ho khác nữa.
Tôi cảm thấy vô cùng cảm kích trước tấm chân tình của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã góp phần rất lớn để tiếng nói của người phụ nữ An Nam có thêm trọng lượng và giúp họ nói thay những điều chưa được xã hội quan tâm đúng mực. Xin dành tặng cuốn sách này cho những người phụ nữ hiện đại ngày nay, để hiểu thêm về những điều mới mẻ, để nhìn thấu thời xưa ấy nữ quyền cũng đã được quan tâm như thế nào, và để hiểu thêm về cách chúng ta sẽ góp phần thể hiện điều đó ra sao trong thời đại mới.
Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Nguyễn Văn Vĩnh và những bài viết của ông nhiều hơn tại website http://www.tannamtu.com/ nhé!
Đọc thêm review của nhiều cuốn sách khác tại chuyên mục Review Sách cùng Hiền nhé!