Không có nhiều người biết rằng đằng sau những cảm xúc tiêu cực của chúng ta có những ý nghĩa riêng biệt, là dấu chỉ để bạn có thể hiểu được bản thân, nhanh chóng hành động và cải thiện của mình một cách đúng đắn. Có thể vì những cảm xúc ấy chỉ là nhất thời, xuất hiện trong thời gian ngắn nên chẳng mấy ai trong chúng ta quan tâm. Nhưng nếu diễn ra trong thời gian dài, những cảm xúc tiêu cực không được giải tỏa hay điều hướng phù hợp, lúc đó bạn sẽ cảm thấy đời sống của mình như bị cạn kiệt năng lượng.
Vậy thì tại sao chúng ta không thử tìm hiểu ý nghĩa đằng sau những cảm xúc ấy nhỉ? Cùng Hiền tìm hiểu chúng thông qua bài viết dưới đây nhé!
Cảm xúc là gì?
Trong Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê có ghi: “Cảm xúc (động từ hoặc danh từ) chỉ rung động trong lòng do tiếp xúc với sự việc gì đó.” VD: Người dễ cảm xúc. Bài thơ gây cảm xúc mạnh.
Tuy nhiên, sâu hơn trong Tâm lý học, có thể hiểu cảm xúc là thái độ khác nhau của con người đối với hiện thực khách quan khi chúng có liên quan đến nhu cầu của chủ thế.

Ý nghĩa của cảm xúc là gì?
Ý nghĩa của của cảm xúc chính là:
- Phản ánh ý nghĩa của sự vật, hiện tượng nào đó đối với nhu cầu của chúng ta. Đằng sau mỗi cảm xúc là một thông điệp nào đó.
- Chất lượng cảm xúc chính là thước đo cho chất lượng cuộc sống của mỗi người.
Cảm xúc tích cực = Cảm xúc của sức mạnh
Cảm xúc tích cực là tín hiệu xác nhận cho ta biết rằng mình đang đi đúng hướng.
Cảm xúc tiêu cực = Yêu cầu hành động
Ý nghĩa thực sự đằng sau những cảm xúc tiêu cực là gì?
Hồi mình tham dự khóa học Life Workshop – Leadership by Integrity, Freedom and Enrollment của CLB Kỹ Năng Sống, có được tiếp cận với một bảng nói về các cảm xúc tiêu cực và ý nghĩa đằng sau của nó. Hôm nay trích dẫn cái bảng tổng hợp đó tại đây để mọi người có thể đọc và tìm được hướng giải quyết nhanh chóng cho mình khi gặp phải những cảm xúc tiêu cực thường gặp nhé! Bảng đơn giản thôi nhưng mình nghĩ sẽ giúp ích được cho nhiều người đấy!

Cảm xúc | Thông điệp | Hướng giải quyết |
Khó chịu | Có chuyện gì đó (nho nhỏ) không đúng | Làm rõ: Bạn đang thực sự muốn gì? Hành động hoặc thay đổi trạng thái, công việc. |
Sợ hãi/Lo lắng | Chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc gì đó sắp tới Lo sợ cho sự mất mát tưởng tượng | Ngừng sợ và tiếp tục hành động. Hướng suy nghĩ vào những kết quả khả quan, liệt kê các bước để giải quyết vấn đề. Chuẩn bị kỹ lưỡng hơn Đối diện vấn đề: Nếu điều tệ nhất xảy ra thì sao? Mình có thể chấp nhận không? Sẽ làm gì? |
Tổn thương | Có một mong đợi/kỳ vọng không được đáp ứng. Bị tấn công vào một niềm tự hào/một điều mình trân trọng. | Nhìn nhận lại xem bạn có đang nhận định quá sớm không? Bạn có thật sự mất gì không? Nếu bạn tổn thương, hãy đón nhận và chia sẻ nó một cách thật thẳng thắn với người có liên quan. Xác lập lại các cam kết để tránh gây ra tổn thương tương tự. |
Giận dữ | Một nguyên tắc quan trọng bị xâm phạm. Giận dữ để ngăn cản sự tấn công vào cái Tôi, hoặc che giấu những cảm xúc khác đằng sau đó. | Xem xét lại việc giận dữ này có phải là sự che giấu nỗi sợ hãi/cảm xúc khác nào đó bên trong hay không? Xem lại nguyên tắc của mình có hợp lý chưa? Người khác có biết nguyên tắc của mình không? (Nếu không, bạn không thể trách họ được) Hãy giảm bớt các nguyên tắc, bớt đòi hỏi ở người khác |
Bực bội | Mình tin rằng mình có thể làm tốt hơn, xứng đáng hơn, hiệu quả hơn. | Bực bội với ai, vì điều gì? Điều chỉnh chiến thuật, phương pháp làm Học hỏi |
Thất vọng | Một mục tiêu/kỳ vọng không được đáp ứng. | Xem lại cách đặt mục tiêu của mình, kỳ vọng của mình có hợp lý không? Nếu kỳ vọng vào người khác quá nhiều thì đó là lỗi của mình, không phải của họ. Giữ vứng thái độ và niềm tin. Tiếp tục gieo hạt và kiên nhẫn làm lại |
Tội lỗi | Làm trái nguyên tắc, giá trị của mình. | Xem xét đó là nguyên tắc, giá trị gì Nhìn nhận dũng cảm, xin lỗi Cam kết với bản thân để không lặp lại nữa |
Kém cỏi/Tự ti | So sánh với người khác, thấy chưa đủ, chưa sẵn sàng về kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức để làm gì đó | Hãy ngừng so sánh với người khác mà hãy xem mình có sự tiến bộ so với trước hay không? Định nghĩa của mình về giá trị bản thân có sai lệch không? Mục tiêu của mình có quá sức không? Chấp nhận những gì không thể thay đổi và thay đổi những gì có thể cải thiện, tiếp tục học hỏi, rèn luyện thêm. |
Quá tải | Không biết sắp xếp ưu tiên, không dám giao việc cho người khác hoặc quá tham lam về mục tiêu muốn đạt được. | Đánh giá lại cái gì thực sự quan trọng với mình Ưu tiên làm công việc quan trọng trước, tập trung phạm vi ảnh hưởng của mình. Nghỉ ngơi, dưỡng sức Giảm bớt sự cầu toàn |
Cô đơn | Bạn đang cần được kết nối cảm xúc, được chia sẻ/bảo vệ/yêu thương | Xác định rõ nhu cầu: cần được yêu thương, cần được chia sẻ hay chỉ đơn giản là muốn tám chuyện? Hãy dành thời gian quan tâm đến bản thân. Chủ động quan tâm người khác, hẹn gặp họ và trò chuyện với họ |
Bạn có thể làm gì để biến đổi những cảm xúc tiêu cực?
Trước tiên, bạn cần nhìn nhận được rằng: Cảm xúc không phải là con người chúng ta. Chúng ta có quyền lựa chọn cách phản hứng với những cảm xúc của mình. Điều quan trọng là hiểu được các cảm xúc của mình, ý nghĩa và cách điều chỉnh chúng sao cho phù hợp. Để điều chỉnh cảm xúc của bản thân, bạn có thể tham khảo mô thức điều chỉnh cảm xúc dưới đây:
Mô thức điều chỉnh cảm xúc

Gồm có 5 bước:
- Bước 1: Dừng lại (Stop) – Bất cứ khi nào cảm thấy bị kích thích, hãy dừng lại một khoảnh khắc và đừng phản ứng gì cả.
- Bước 2: Hít thở (Breath) – Tập trung sự chú ý vào hơi thở, hít thở sâu ít nhất vài lần sẽ khiến cơ thể và tâm trí bình an trở lại.
- Bước 3: Chú ý (Notice) – Cố gắng trải nghiệm sự khó chịu về cảm xúc mà không phán xét, gọi tên cảm xúc đó là gì.
- Bước 4: Kiểm điểm (Reflect) – Quan sát, nhìn nhận cảm xúc mà không phán xét nó đúng hay sai. Cảm xúc này đến từ đâu? Có liên quan tới một sự diễn giải lệch lạc nào không?
- Bước 5: Phản ứng (Respond) – Hãy tưởng tượng và lựa chọn những cách phản ứng với tình huống này để tạo kết quả tích cực nhất.
Biến đổi những cảm xúc tiêu cực
Nếu nhận ra bản thân có cảm xúc tiêu cực và muốn biến đổi nó, bạn có thể áp dụng mô thức biến đổi cảm xúc như trên. Những điều quan trọng cần có đó là:
- Nhận diện và gọi tên được cảm xúc tiêu cực mà bạn đang gặp phải.
- Xem xét hướng giải quyết (đã được gợi ý trong bảng trên) và áp dụng.
- Nếu bản thân gặp khó khăn khi nhận diện, giải quyết thì có thể nhờ đến sự giúp đỡ của những người thân thiết, đáng tin cậy, có khả năng hỗ trợ bạn nhận diện và gợi ý hướng giải quyết.
Hãy luôn nhớ rằng, để có thể có được thói quen điều chỉnh cảm xúc từ tiêu cực sang bình ổn hoặc tích cực đều cần thời gian để rèn luyện. Bạn đừng lo lắng khi bản thân mình mất quá nhiều thời gian nhé! Chỉ cần bạn có mong muốn thay đổi, tự khắc sẽ học được cách nhanh thôi.
Hi vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm một chút về cảm xúc tiêu cực của bản thân. Nếu cần thì có thể xem hướng giải quyết để nhanh chóng lấy lại năng lượng và tinh thần tích cực cho mình nhé! Hiền sẽ sớm có thêm nhiều bài viết liên quan để bạn đọc nữa nhé!
Đọc thêm các bài viết khác có liên quan: