Là một người mới bước chân vào nghề Content Marketing, hẳn những ngày đầu tiên bạn sẽ cảm thấy khá lúng túng với những thuật ngữ như brief, concept, big idea, content angle, content pillars, target audience,… Không sao cả, vạn sự khởi đầu nan, chỉ cần cố gắng một chút, bạn sẽ sớm hiểu hết những thuật ngữ này và nhanh chóng hòa hợp cùng đồng nghiệp.
Để giúp bạn vượt qua được khó khăn bước đầu đồng thời hỗ trợ cho việc nâng cao kiến thức khi nghiên cứu chuyên sâu về nghề Content Marketing, hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những thuật ngữ thường được dùng nhất trong nghề nhé!
Lưu ý: Đây không phải là danh sách đầy đủ mà chỉ là những thuật ngữ bạn sẽ thường gặp nhất.
Cùng bắt đầu nào!
Các khái niệm về đơn vị làm quảng cáo chuyên nghiệp và công ty khách hàng
(1) Agency: Thuật ngữ chỉ các công ty chuyên cung cấp các dịch vụ truyền thông quảng cáo cho các công ty khác.(2) Client: Thuật ngữ chỉ khách hàng của một agency. Thường thì các công ty không chuyên về quảng cáo mọi người vẫn thường gọi chung là client.
Các vị trí trong một Agency
(nếu bạn apply vào agency thì nên đọc phần này nhé! Không thì đọc cho biết cũng được ^_^)
(3) Creative Director: Giám đốc sáng tạo, người chỉ đạo toàn bộ đội ngũ sáng tạo và chịu trách nhiệm chính trong phòng sáng tạo của một agency.
(4) Account: Người có trách nhiệm phục vụ cũng như nhận những yêu cầu từ client trong một agency.
(5) Copywriter: Chuyên viên nội dung, chịu trách nhiệm về phần nội dung của một ý tưởng sáng tạo phục vụ xây dựng thương hiệu, truyền thông, các chiến dịch marketing của doanh nghiệp. Trong công việc, Copywriter thường cộng tác với Art Director hoặc Creative Director.
(6) Art Director: Chuyên viên định hướng hình ảnh, chịu trách nhiệm về phần diện mạo của một ý tưởng sáng tạo như thiết kế tổng thể, bố cục và ấn tượng chung của ý tưởng đó trên các phương tiện quảng cáo. Trong công việc, Art Director thường cộng tác với Copywriter, Creative Director và các vị trí xử lý hình ảnh khác như chuyên viên thiết kế đồ họa (Graphic Designer), người vẽ minh họa (Illustrator), nhiếp ảnh gia (Photographer),…
(7) Designer: Chuyên viên thiết kế.
(8) Photographer: Nhiếp ảnh gia.
(9) Illustrator: Người vẽ minh họa. Nếu sau này bạn có phụ trách dựng clip quảng cáo (TVC) thì sẽ biết đến khái niệm video storyboard. Bạn vẽ minh họa đại khái sẽ vẽ ra các khung cảnh trong đoạn quảng cáo đó như thế nào đấy!
Các mảng trong Content Marketing
(10) Social Media: Là những phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng để giao tiếp, chia sẻ thông tin trên nền tảng Internet, cho phép người dùng có thể tương tác trực tiếp với nhau. Các social media thường thấy nhất là Facebook, Instagram, Pinterest, LinkedIn, Tik Tok, Twitter, Google+, …
(11) SEO (Search Engineering Optimize): Quá trình tối ưu hóa công cụ tìm kiếm để nâng cao vị trí, thứ hàng website nhằm tăng lượt truy cập website và thu hút khách hàng.
Thông thường, khi làm việc ở mảng SEO, bạn sẽ thường tập trung vào việc viết bài viết chuẩn SEO trên website theo một hệ thống từ khóa để giúp website lên top tìm kiếm.
(12) Branding: Hoạt động xây dựng thương hiệu, nhằm mục đích khắc sâu thương hiệu vào tâm trí khách hàng. Đây cũng là một trong những mục tiêu của Content Marketing.
(13) PR: là thuật ngữ viết tắt của Public Relations (Quan hệ công chúng), là một phần của Marketing có nhiệm vụ lên kế hoạch xây dựng hình ảnh công ty giúp khách hàng có cảm tình, quan tâm đến sản phẩm, nhận thức về thương hiệu của công ty. Từ đó thay đổi hành vi khách hàng giúp tăng thị phần, doanh thu cho công ty.
(14) Landing Page (Trang đích): Là một trang có giao diện, nội dung và tên miền gần giống như một trang web bình thường, tuy nhiên thiết kế đơn giản hơn và chỉ tập trung vào một nội dung nhất định (VD: Chương trình khai trương cửa hàng của nhãn hàng X, giới thiệu sản phẩm mới của nhãn hàng Y, Sư kiện Z danh cho các doanh nhân trẻ…). Mục tiêu chính của landing page là thu hút lượt xem, lượt click, hay kích thích hành vi mua hàng của người dùng thông qua các tác vụ như điền form, click mua hàng, đăng ký nhận thông tin, v.v..
(15) Infographic: là từ ghép của Information Graphic. Đây có thể được hiểu là hình thức đồ họa trực quan sử dụng hình ảnh để trình bày thông tin, dữ liệu hoặc kiến thức giúp người đọc nắm được thông tin phức tạp một cách nhanh chóng và rõ ràng.
(16) Email Marketing: là hình thức sử dụng email (thư điện tử) mang nội dung về thông tin/bán hàng/tiếp thị/giới thiệu sản phẩm đến khách hàng mà mình mong muốn. Mỗi email được gửi đến khách hàng tiềm năng hoặc khách hàng hiện tại có thể coi là email marketing.
(17) E-Comercial (Thương mại điện tử): nói dễ hiểu là bất cứ một hoạt động thương mại nào được triển khai trên các phương tiện điện tử thì đều được gọi là thương mại điện tử. Các sàn thương mại điện tử thường gặp là Tiki, Lazada, Sendo, …
Mục tiêu của Content Marketing
(18) Lead: Lead trong Marketing là một chuỗi tập hợp đối tượng khách hàng có phản hồi hoặc thể hiện sự quan tâm tới sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp sau chiến dịch Marketing.
(19) Up Sell: Mục tiêu hướng đến là mong muốn khách hàng chi tiêu nhiều hơn trên cùng một sản phẩm hoặc các sản phẩm nâng cao khác.
(20) Customer Engagement: Tăng cường tương tác giữa người tiêu dùng đối với công ty thông qua các kênh trực tuyến hoặc ngoại tuyến khác nhau.
Content Marketing còn có mục tiêu là Branding đã đề cập ở mục (12).
Các kênh thông tin và mô hình doanh nghiệp
(21) Owned media: bao gồm các kênh do chính thương hiệu sở hữu, không yêu cầu chi phí khi đăng tải nội dung.
(22) Paid media: là các kênh mà công ty cần phải trả phí nếu muốn đăng tải nội dung của mình, có khả năng “phủ sóng” cao, là công cụ hữu hiệu trong việc nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu và thu hút sự chú ý. Một số kênh paid media như: báo chí, tạp chí, truyền hình, banner trực tuyến trên website, mạng xã hội, các fanpage, trang cá nhân, hội nhóm có lượng người theo dõi cao,…
(23) Earned media: là những kênh hỗ trợ những thảo luận, phản hồi về thương hiệu được lan tỏa tự nhiên, thường là kết quả của những nỗ lực mà đội ngũ marketing tạo ra trên paid và owned media. Được “sản xuất” từ chính người tiêu dùng, thường nhận được sự tin tưởng cao hơn so với các nội dung đăng tải trên owned hay paid media.
(24) B2B: viết tắt của thuật ngữ Business To Business – mô hình kinh doanh thương mại điện tử trong đó giao dịch xảy ra trực tiếp giữa các doanh nghiệp với nhau. Giao dịch của các công ty với nhau thường được bắt đầu từ các giao tiếp điện tử, trong đó có giao tiếp qua các sàn giao dịch điện tử.
(25) B2C: viết tắt của thuật ngữ Business – To – Customer – mô hình kinh doanh thương mại điện tử trong đó chỉ bao gồm các giao dịch thương mại trên Internet giữa doanh nghiệp với khách hàng, mà trong đó, đối tượng khách hàng của loại hình này là các cá nhân mua hàng. Loại hình này áp dụng cho bất kỳ doanh nghiệp hay tổ chức nào bán các sản phẩm hoặc dịch vụ của họ cho khách hàng qua Internet, phục vụ cho nhu cầu sử dụng của cá nhân.
Bonus khái niệm mới cập nhật nè:
B2D (Business to Developers) bán sản phẩm là những nền tảng, công cụ cho những nhà phát triển công nghệ. Đây là một thị trường đầy hứa hẹn và còn nhiều khoảng trống.
Phần 2 Hiền sẽ giới thiệu tiếp 23 thuật ngữ trong quá trình làm việc Content Marketing nha 🙂 Các bạn nhớ đón đọc nhé! Đừng quên subscribe Góc Của Hiền và đọc những bài viết mới nhất trong chuyên mục Viết.
Nguồn tham khảo:
- Bộ sách Sáng Tạo Không Rào Cản – RIO BOOK
- Cuốn sách “Digital Marketing – Từ chiến lược đến thực thi” – RIO BOOK
- https://copyblogger.com/content-marketing-glossary/
- https://www.brandsvietnam.com/tieudiem/3908-Hieu-dung-ve-Tiep-thi-Noi-dung-Content-Strategy-vs-Content-Marketing
- https://blog.tomorrowmarketers.org/phan-biet-owned-media-paid-media-earned-media/
- https://marketingai.admicro.vn/thuong-mai-dien-tu-la-gi/
- http://quantri.vn/