Biết là có nhiều mẹ cũng đang cần tìm hiểu thông tin đi sinh tại BV Đại học Y Dược CS2 nên mình viết bài viết này với trải nghiệm của bản thân để giúp mọi người có cái nhìn tổng thể hơn, an tâm hơn khi lựa chọn bệnh viện đi sinh trong mùa dịch này nhé! Hiền sinh mổ chủ động vào ngày 26/11/2021, không sinh thường nên là những gì viết ở đây thì trải nghiệm cá nhân của Hiền nhé! Mong là có thể giúp mọi người được ít nhiều nha.
.
Ưu điểm – Nhược điểm khi sinh tại BV Đại học Y Dược CS2
Ngay từ đầu thai kỳ, mình đã chọn khám tại khoa Phụ sản bệnh viện Đại học Y Dược CS2. Mặc dù hơi xa nhà nhưng mình chọn khám ở đây vì phòng khám ít người, không phải chờ đợi lâu và đội ngũ y bác sĩ cũng rất tốt. Nếu đi khám thai thì mình khuyên mọi người nên chọn khám đầu buổi chiều, sẽ rất vâng và thời gian khám hay siêu âm cũng rất nhanh, không phải chờ đợi lâu.
Quay lại chuyện chính là review chuyện đi đẻ ở bệnh viện Đại học Y Dược CS2. Sau khi trải nghiệm mình thực sự cảm thấy rất sáng suốt vì lựa chọn này.
.
Trong thời điểm dịch bệnh, sinh ở đây có những ưu điểm là:
- Ít người
- Phòng bệnh sạch sẽ (có phòng đơn, đôi, 4 giường, 7 giường với mức giá khác nhau) – Mình ở phòng 4 giường giá 750k/ngày
- Dịch vụ tốt, chăm sóc chu đáo
- Bác sĩ tận tình, hộ lý ân cần, dễ thương
Nhược điểm duy nhất mà mình thấy đó là bé và mẹ không được da kề da ngay sau sinh như mấy tờ thông tin dán trên tường. Cái này làm mình khá hụt hẫng.
Quy trình nhập viện sinh tại BV Đại học Y Dược CS2
Vì đang dịch bệnh nên bệnh viện chỉ cho 1 người chăm đi cùng sản phụ và không được đổi trong suốt thời gian ở viện. Trước ngày nhập viện 1 ngày, mình phải test PCR và chồng mình (người chăm) phải test nhanh có kết quả âm tính. Bạn có thể xin chỉ định test từ bác sĩ theo khám hoặc qua bên chỗ test (kế bên khoa Phụ sản) đưa sổ khám thai và báo test PCR để nhập viện là được nha. Phí test PCR là 529k, phí test người chăm đi cùng 15k (mình test ngày 25/11). Test nhanh thì sau 30 phút là có kết quả. Test PCR thì lâu hơn, khoảng tầm 5h30’ mới trả kết quả. Nhớ giữ kỹ kết quả của hai người để xuất trình cho bảo vệ vào ngày nhập viện nha.
.
Mình và chồng khăn gói lên đường nhập viện vào ngày hôm sau. Vào cổng khoa Phụ sản (trên đường Lý Thường Kiệt), xuất trình giấy test rồi chờ một xíu để có người ở phòng sanh ra hướng dẫn.
.
Trước khi nhập viện, sản phụ sẽ phải:
- Điền bộ hồ sơ thông tin sản phụ và các giấy tờ có liên quan
- Lấy mẫu máu và nước tiểu để xét nghiệm trước sinh
- Khám và vệ sinh phần vùng kín để bác sĩ mổ thuận tiện
- Đo tim thai bằng monitor
Trong quá trình điền hồ sơ, bạn cứ làm theo hướng dẫn là được nhé. Nhớ mang theo CMND, thẻ bảo hiểm y tế, sổ hộ khẩu của sản phụ để làm thủ tục. Mọi thông tin đều khai theo hộ khẩu. Sau đó vợ chồng mình được lên nhận phòng trước.
.
Ở bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 2 không có được đặt phòng trước cả nhà nhé! Khi nào lên nhận phòng nếu có nhu cầu ở phòng nào thì hỏi, nếu có mới nhận, không thì tự chọn trong các phòng còn lại thôi. Ban đầu tụi mình tính ở phòng đôi cho thoải mái nhưng do hết phòng nên chuyển qua phòng 4 giường. Được cái phòng ốc cũng thoáng mát, sách sẽ, có máy nóng lạnh và máy lạnh. Có giường xếp cho người nhà và nôi riêng cho em bé.
.
Trước khi đi mổ, hộ lý có đưa 1 chai xà phòng nhỏ và dặn đi tắm sử dụng chai xà phòng này tắm toàn thân (không cần gội đầu) rồi thay quần áo chuẩn bị đi mổ.
.
À, bệnh viện có chuẩn bị sẵn những cái này cho mẹ (trong gói dịch vụ) nên mình có thể không cần đem theo trong giỏ đồ. Hiền thấy cũng đủ xài trong vài nhày ở viện nên khỏi mang theo chật chỗ.
- 06 cái quần lót giấy
- 01 bịch băng vệ sinh Mama 1 bịch
- Miếng lót sản dịch
- 01 hộp khăn giấy khô 1 hộp
- 01 cuộn giấy vệ sinh
- 02 bộ bàn chải và kem đánh răng (cho sản phu và người nhà)
Mấy cái này để sẵn tại giường nhé! Chờ tới giờ lên phòng mổ, mình được đưa vào khu chuẩn bị mổ còn chồng ngồi ở ngoài dặn chờ đến khi bé ra.
.
Vô phòng, bạn sẽ được thay quần áo để chuẩn bị mổ (không đồ lót), gắn ống truyền dịch.
.
Vào phòng mổ thì leo lên bàn mổ, giang hai tay ngang, các chị hộ lý sẽ gắn máy đo nhịp tim, huyết áp, truyền dịch rồi mình bị che nguyên bức màn trước mặt. Sau đó mình được gây tê phần dưới (con người như tôm sau đó được chích thuốc tê sau lưng). Thời gian mổ đâu đó khoảng tầm 30 – 45 phút.
Lúc mổ vì gây tê nên mình không cảm nhận được gì hết. Lúc bé ra thì người ta thông báo con trai hay con gái, cân nặng bao nhiêu rồi cho mẹ chạm mặt bé, hôn bé trước khi đưa ra ngoài cho người nhà biết con. Ở bên này không có cho bé da kề da với mẹ ngay sau sinh mà đưa bé về phòng sau khoảng tầm 2h sau sinh. Mẹ thì sau mổ được đưa về phòng hồi sức nằm 4 tiếng cho hết thuốc tê, chân có cảm giác và duỗi gập được là được đưa về phòng. Lúc mình về là con đã về phòng luôn rồi, đang được bố chăm ^_^
.
Ngày đầu mẹ chỉ có nằm im trên giường thôi. Sẽ được truyền hai bình giảm đau và sau đó là 1 bình oxytocin để co hồi tử cung. Trong thời gian này các mẹ nhớ uống nhiều nước để nước tiểu trong hơn thì sẽ được rút ống thông tiểu sớm nhé. Mấy ngày sau thì bác sĩ thăm khám thường xuyên, sẽ xem tử cung mình co hồi tốt chưa, có đi vệ sinh, xì hơi, đi cầu được chưa để đánh giá tình hình.
.
Ở đây cũng cho kháng sinh giảm đau nhét hậu môn 2 viên/ngày nên các mẹ sẽ đỡ đau nhiều lắm. Sau sinh khá yếu nên mẹ nên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều. Hãy nhờ sự giúp đỡ của chồng trong những ngày này nhé!
.
Về phần em bé, ở Y Dược CS2 cho bé bú sữa ngoài trong lúc sữa mẹ chưa về nên các mẹ có thể đem theo sữa cho con nhé. Nhưng mà dù chưa có sữa cũng nên cho con ti sớm để sữa nhanh về hơn. Bé được khám và đi tắm mỗi ngày. Các chị hộ lý sẽ sang thông báo cho từng phòng để đi khám hay tắm bé luôn. Mà ban đầu chưa quen nên mấy ngày này người chăm vất vả lắm nha, các ông bố bỉm sữa cố gắng nhiều nhé!
.
Hiền thấy để thuận tiện cho việc chăm bé, mọi người nên chuẩn bị:
- Bình giữ nhiệt hoặc phích nước nóng loại nhỏ (để tiện pha sữa, tiệt trùng bình sữa)
- Bình sữa cho bé
- Sữa thanh Meji hoặc sữa hộp cho bé. (H mang tầm 5 thanh Meji cho 4 ngày mà không đủ ấy vì bé bú khá nhiều mà sữa chưa về, mọi người nên mang dư dư nha)
- Chậu nhỏ (dạng gấp gọn để tiện rửa bình sữa hay rửa các bộ phận hút sữa)
- Máy hút sữa (để kích sữa nhanh về)
Một số lưu ý để đem đồ cho con:
- Mang nhiều nhiều bỉm nha (dạng tã dán sẽ tiện hơn) H đem tầm 40 cái là vừa đủ, có thể mang thêm cho yên tâm.
- Chỉ cần mang áo cho con, tầm 5 – 6 cái thôi, không cần mang quần.
- Khăn tắm cho con nên mang tầm 2-3 cái.
- Mang nhiều khăn sữa vì xài nhiều lắm.
- Tấm lót vải thay bỉm cho con chỉ cần 2-3 cái thôi không cần nhiều.
- Mang thêm khăn giấy ướt để vệ sinh, thay bỉm cho con (H mang 1 hộp lớn là đủ)
Bệnh viện có phần ăn riêng cho sản phụ, ngày 3 bữa đầy đủ. Người nhà muốn đặt cơm có thể đăng ký thêm. Thay ga giường và vệ sinh phòng mỗi ngày. Có bộ đồ ở viện cho mẹ thay mỗi ngày luôn. Các chị y tá, điều dưỡng, hộ lý, vệ sinh ở đây ai cũng đều dễ thương hết.
Chi phí sinh tại BV Đại học Y Dược CS2
Mình ở viện 4 ngày tổng chi phí gần 16tr. Được BHYT trả tầm 2tr5 nên còn khoảng gần 13tr4. Tiền ăn của chồng khoảng 300k tính riêng tiền mặt. Chi phí này tính đến ngày 29/11/2021 nhé! Thời điểm bạn xem bài viết này chi phí có thể thay đổi theo thời gian.
.
Hiền thấy mùa dịch này nếu chỉ có 1 người chăm thì chọn Bệnh viện ĐH Y Dược cơ sở 2 để sinh là thuận tiện nhất. Có một người chăm vẫn xoay sở được và còn thoải mái nữa. Ở phòng mình có một gia đình ban đầu tính sinh ở CS1 nhưng bên đó đông quá nên hết phòng, không nhận sản phụ thêm, nghe bảo còn có sản phụ phải ở hậu sản 2 ngày ngoài hành lang nữa cơ. Nên là H rất recommend mọi người sinh ở bên CS2 nhé!
.
Hi vọng bài viết của H có thể giúp mọi người hình dung phần nào trải nghiệm đi sinh tại BV ĐH Y Dược CS2 nhé!
Đọc thêm các bài viết khác trong chủ đề có liên quan:
- Con 6 tháng, nên đi làm hay ở nhà chăm con?
- Có nên cho con đi học sớm từ lúc 12 tháng tuổi?
- Kinh nghiệm chăm sóc em bé sau khi tiêm phòng
- Những kỹ năng cơ bản Ba Mẹ cần chuẩn bị trong tuần đầu đón con
- Danh sách đồ chuẩn bị đi sinh cho các Mẹ sinh con lần đầu
- Những Món Quà Bạn Có Thể Chọn Cho Mẹ Bầu Sắp Sinh/Mới Sinh
- Những cuốn sách hay về nuôi dạy con dành cho người lần đầu làm mẹ
- Giới thiệu những cuốn sách hay cho bé từ 0 – 3 tuổi
- Tìm hiểu về tử cung lạnh và cách điều trị/phòng tránh
Cho m hỏi là b theo bs nào ạ ?
Mình theo bác sĩ Trần Minh bạn nhé 🙂