Trích “The Mastery Of Self” – Don Miguel Ruiz Jr.
Tiếp nối các bài viết về Thấu Hiểu Cảm Xúc Bản Thân, Xung đột trong cuộc sống,hôm nay Hiền gửi đến mọi người một bài tập để xác định các bám chấp của bản thân trong cuốn sách “The Mastery Of Self – Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân và Tìm Thấy Tự Do” của tác giả Don Miguel Ruiz Jr. nhé! Đây là tác giả nổi tiếng với tác phẩm “Bốn Thỏa Ước”, nếu bạn chưa biết. Cùng đọc nhé!
Xác định các bám chấp của bản thân
Bởi vì đối tượng đầu tiên mà chúng ta nảy sinh cảm giác bám chấp là những món đồ mà ta sở hữu, cho nên phần đầu tiên của bài tập thực hành được thiết kế để giúp ta xác định những đồ vật mà ta đã đồng hóa giá trị của chúng với giá trị bản thân ta.
Đầu tiên, hãy nghĩ về một đồ vật mà ta sở hữu và vô cùng yêu quý, một thứ mà ta không muốn đánh mất. Nó có thể là chiếc xe, ngôi nhà, tiền bạc, thiết bị công nghệ, đồ trang sức, vật kỷ niệm, hay thậm chí có thể là một đồ vật có tính tâm linh. Trọng điểm ở đây là phải chọn một món đồ mà ta có cảm xúc mạnh mẽ với nó, và có sự gắn bó với nó về mặt giá trị cá nhân.

Tiếp theo, lấy một tờ giấy trắng, viết tên món đồ ấy và sau đó trả lời lần lượt các câu hỏi sau đây:
- Vì sao ta có cảm xúc mạnh mẽ với món đồ này?
- Nó mang lại cho ta cảm giác an toàn ra sao?
- Ta có mối liên hệ như thế nào với nó về mặt giá trị hoặc bản sắc cá nhân?
- Nó thúc đẩy sự phát triển của cái tôi ra sao?
- Ta có thoải mái cho người khác nhìn thấy món đồ này hay không? Hay ta muốn giữ món đồ ấy cho riêng mình và cảm thấy thật đặc biệt khi sở hữu món đồ như thế?
- Việc sở hữu nó có khiến ta cảm thấy bản thân trở nên thu hút hơn, giàu có hơn, vững vàng hơn, thông minh hơn, hay phát triển hơn về mặt tâm linh so với người khác?
Hãy ghi nhận cảm xúc của bản thân một cách trung thực. Không có câu trả lời đúng hoặc sai, mà quan trọng là ta có thể khám phá sợi dây gắn kết sâu hơn giữa ta với món đồ mà ta sở hữu.
Bây giờ, hãy vò mảnh giấy lại và vứt nó đi. Sau đó, nhắm mắt lại và tưởng tượng rằng món đồ ấy đã biến mất khỏi cuộc đời ta. Ta cảm thấy như thế nào? Cuộc sống của ta sẽ trở nên như thế nào nếu không có nó? Ta sẽ là ai khi không sở hữu món đồ này?
Sau khi hình dung món đồ mà ta yêu thích bị mất đi, hãy hỏi bản thân những câu hỏi sau đây:
- Sự bám chấp của ta với món đồ ấy có ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh ta không?
- Sự bám chấp đó có khiến ta ở yên trong vùng an toàn của mình mà không chịu theo đuổi những điều ta thực sự muốn?
- Có bao giờ vì món đồ ấy mà ta thay đổi hành động của mình?
- Sự bám chấp đó có ảnh hưởng như thế nào đến tự do cá nhân của ta?
- Cuối cùng thì ta có muốn giữ nguyên mức độ bám chấp này hay không? Hay ta muốn giảm bớt mức độ bám chấp? Hay ta thậm chí muốn buông bỏ hoàn toàn sự bám chấp? Sự lựa chọn luôn này trong tay ta.

Khi xem lại các câu trả lời của mình, hãy quan sát mức độ sợ hãi của bản thân khi nghĩ đến viễn cảnh món đồ bị mất đi. Nỗi sợ hãi của ta càng sâu sắc thì ta sẽ càng cảm thấy đau khổ khi món đồ bị mất. Trong thế giới ta đang sống, có một điều vô cùng chắc chắn là theo thời gian, món đồ ấy cuối cùng sẽ bị hư hao và mất đi. Trên đời này chẳng có gì tồn tại mãi mãi.
Phần còn lại của bài tập thực hành là ta hãy lặp lại các bước trên nhưng lần này hãy chọn một người, một vai trò trong cuộc sống, một hình ảnh cá nhân (vẻ bề ngoài), một niềm tin hay một ý tưởng nào đó. Đó có thể là một vai trò nhất định trong gia đình (cha mẹ, con cái), hoặc một vị trí công việc giúp ta nâng cao giá trị bản thân. Ta có bám chấp với vai trò cụ thể mà ta đang có hay không? Ta sẽ cảm thấy như thế nào nếu vai trò đó đột ngột bị thay đổi? Ta có ám ảnh với vẻ bề ngoài của mình? Sẽ ra sao nếu ngoại hình của ta thay đổi chỉ sau một đêm? Cũng giống như đồ vật, niềm tin, vai trò xã hội hay ngay cả những người có mặt trong đời ta đều sẽ thay đổi hoặc rời xa ta vào một lúc nào đó. Ta sẽ là ai nếu những điều đó không còn tồn tại? Ta sẽ là ai nếu họ không còn cạnh bên?
Hầu hết mọi người sẽ có mức độ bám chấp với mỗi món đồ, niềm tin và vai trò trong cuộc sống khác nhau, và các mức độ bám chấp cũng có thể thay đổi. Chỉ cần nhận thức được về các bám chấp của mình là ta đã có một bước tiến lớn trong việc giải phóng bản thân khỏi sự ràng buộc của chúng. Vào khoảnh khắc ta nhận thức được sự bám chấp thì sợi dây đang ràng buộc ta bắt đầu dần nới lỏng.
Việc xác định các đối tượng bám chấp và hình dung về sự biến mất của chúng chính là cơ hội cho ta nhìn thấy bản thể chân thật của chính mình, rằng ta hoàn toàn tự do, không bị ràng buộc. Vì xét đến cùng thì bản thể chân thật của ta – năng lượng thiêng liêng ấy – lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ đồ vật, vai trò hay niềm tin nào trên đời.
Nếu không ý thức được những điều trên thì các bám chấp và hệ tư tưởng sẽ che mờ nhận thức của ta. Việc phát hiện ra sự tồn tại của chúng sẽ xua tan làn khói để ta có thể nhìn rõ sự thật ngay trong khoảnh khắc hiện tại.
——————–
Note của Hiền
Thực ra, tưởng tượng chỉ là một phần. Nó giúp bạn hình dung được phần nào sự bám chấp của bản thân với những đồ vật/con người/vai trò/ý tưởng. Hiền nghĩ, có khi trong lúc tưởng tượng, đôi khi bạn sẽ nghĩ: “Cái này chỉ là tưởng tượng thôi chứ chắc vật đó/người ta sẽ không bao giờ mất đi hay bỏ mình đâu.” Đó là lúc bạn cần nhận thấy, mình đã tin tưởng, bám chấp đến độ không nghĩ đến việc họ sẽ rời bỏ mình. Và cũng đôi khi, bạn phải là người tự trải nghiệm những biến cố khi mình mất đi một thứ gì đó, một người nào đó trong đời thì mới có thể thấu hiểu độ bám chấp của bản thân.
Hiền không mong đợi bạn sẽ phải trải qua biến cố nào cả (vì điều đó thực sự không dễ chịu một chút nào), nhưng rất mong bạn sẽ thực sự trải nghiệm bài tập này để hiểu ra bản chất của mọi thứ và dành thời gian xem xét cảm xúc, thấu hiểu bản thân nhiều hơn.
Hẹn gặp lại bạn ở những bài viết tiếp theo trong series Viết Chữa Lành nhé!
Đoạn trên được trích trong cuốn sách “The Mastery Of Self – Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân và Tìm Thấy Tự Do” – Tác giả – Don Miguel Ruiz Jr.

Bạn có thể đặt cuốn sách này tại đây nhé!
- Thấu Hiểu Cảm Xúc Bản Thân
- Nguyên nhân cốt lõi của những xung đột trong cuộc sống
- Tôi đi học lớp Viết Chữa Lành
- Vì sao người ta thường hoang mang, lo sợ khi thất nghiệp?
- Review Sách: Tôi Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc – Rosie Nguyễn
- Học Cách Biết Ơn Để Nhìn Thấy Cuộc Đời Này Đẹp Biết Bao
- Chậm một chút cũng không sao