Kỹ Năng Tự Biên Tập Bài Viết

Lâu rồi mới trở lại, kỳ này Hiền sẽ giới thiệu với các bạn một kỹ năng vô cùng cần thiết đối với dân Content nhé! Đó chính là KỸ NĂNG TỰ BIÊN TẬP. Đây là kỹ năng Hiền cực kỳ tâm đắc khi học lớp Content Marketing của Ngày Ngày Viết Chữ và sau này áp dụng liên tục trong quá trình viết của mình. 

Lần đầu tiên nghe cô giáo nhắc tới kỹ năng này, Hiền đã rất tò mò kiểu ủa, làm sao mà có thể tự biên tập cho bài viết của mình được? Không phải là người khác mới có thể biên tập cho bài viết của mình sao? Không phải tự mình viết ra là sẽ cảm thấy nó ổn rồi sao? Làm thế nào để có thể tự biên tập bài viết của mình được?

Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn giải đáp những điều đó nhé!

Tự biên tập bài viết
Bạn đã có kỹ năng tự biên tập cho mình chưa?

1. Sự thật mà bạn cần biết về việc tự biên tập

Sự thật là: Bạn hoàn toàn có khả năng tự biên tập cho bài viết của mình. Có điều có thể bạn chưa biết cách làm thế nào thôi, phải không?

Trong lớp học Content Marketing của Ngày Ngày Viết Chữ, sau khi được cô giáo hướng dẫn cách tự biên tập, bản thân Hiền đã tự vỡ ra nhiều thứ. Ví dụ như:

Thì ra là bản thân mỗi người có thể tự biên tập bài viết cho mình.

Thì ra mỗi người đều có khả năng tự tách mình ra để tự đánh giá có hài lòng với bài viết của mình hay không?

Và nhờ điều này, chúng ta hoàn toàn có thể tự nâng cao khả năng viết của mình thông qua quá trình tự biên tập bài viết.

Sau khi biết đến kỹ năng này, bản thân Hiền đã trở nên chỉn chu hơn trong quá trình viết bài, khó tính và kỹ lưỡng hơn trong công việc đồng thời tự nâng yêu cầu của bài viết lên cao hơn.

Trong bài viết này, Hiền sẽ ghi chú lại từng bước để bạn có thể tự biên tập cho bài viết trước khi gửi cho sếp/client nhé!

Tiếp theo tụi mình cùng tìm hiểu làm thế nào để tự biên tập bài viết nào!
Tiếp theo tụi mình cùng tìm hiểu làm thế nào để tự biên tập bài viết nào!

2. Làm thế nào để tự biên tập bài viết của mình?

Sau khi đã viết xong, bạn đọc lại toàn bài và thực hiện các bước sau nhé!

Bước 1. SOÁT LỖI CHÍNH TẢ

Đây là bước đầu tiên trong quá trình tự biên tập. Người đọc thường rất kỵ lỗi chính tả và những người làm Content như tụi mình thì lại càng kỵ hơn. Do đó hãy chăm chỉ xem từ nào bị sai chính tả để chỉnh lại nhé!

Nếu chưa chắc chắn về độ chính xác của từ, bạn nên tra Từ Điển Tiếng Việt hoặc sử dụng một từ khác đồng nghĩa, phù hợp với văn phong của bài.

Đừng quên check lỗi chính tả trong bài nhé!
Đừng quên check lỗi chính tả trong bài nhé!
Bước 2. SOÁT LỖI NGỮ PHÁP/SÓT CHỮ

Thường thì trong quá trình viết, có đôi khi chúng ta viết những câu mà chỉ có trạng ngữ thôi hay thiếu chủ ngữ, vị ngữ gì đấy khiến câu trở nên vô nghĩa. Lúc này, bạn hãy:

+ Xem lại câu có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ chưa, có câu nào chỉ có trạng ngữ không? Nếu có thì nhớ điều chỉnh cho phù hợp. 

+ Xem câu có thể hiện được đủ ý không? Tốt nhất nên là 1 câu – 1 ý. Nếu câu dài thì nên tách ra 2 hay nhiều câu để thể hiện cho rõ nghĩa.

Bước 3. SOÁT LỖI ĐÁNH MÁY

Chú ý lỗi dư khoảng trắng hoặc các chữ bị sát vào nhau (cái này rất hay gặp, nhất là khi đánh máy nhanh không để ý).

Bạn nên đọc thêm sách của NXB Trẻ hay Nhã Nam để xem các họ trình bày nhé! 

Bước 4. SOÁT CÁCH VIẾT SỐ

Hẳn có một vài bạn khi đọc đến đây sẽ tự hỏi: Viết số như thế nào mới là đúng? 

Hiền gửi đến bạn cách viết số trong câu dài nhé! (Cái này cũng học được trong khóa Content của Ngày Ngày Viết Chữ).

  • Số nhỏ hơn 11: viết text (một, hai,…,mười)
  • Số từ 11 trở lên: viết số (VD: 12)
  • Hàng trăm: 5 trăm hoặc 500
  • Hàng nghìn: 1 nghìn hoặc 1000
  • Mười nghìn: 10 nghìn
  • Trăm nghìn: 100 nghìn
  • Nếu nói giá hoặc nói về cơ hội: nên viết số (VD: Chỉ có 1 cơ hội,… giá 100.000đ,…)
Cách viết số
Ngoài ra, bạn đã biết nên dùng dấu chấm hay dấu phẩy như thế nào trong viết số không?
Bước 5. CẮT TỪ THỪA

+ Từ nào cảm thấy không có nó cũng không sao thì bỏ đi.

+ Soát xem trong câu/đoạn có bị lặp từ hay không. Nếu lặp thì nên tìm từ đồng nghĩa để thay thế, không làm người đọc cảm thấy nhàm chán.

Bước 6. CẮT CÂU THỪA

+ Câu nào có cũng được, không có cũng được thì nên bỏ.

+ Cắt các câu bị lặp ý.

Bước 7. CẮT ĐOẠN THỪA

Tương tự như câu, nếu đoạn bị lặp ý hoặc có cũng được, không có cũng không sao thì nên bỏ đi.

Lỗi Wall Of Text
Ngoài ra cũng đừng viết đoạn dài quá nhé! Chỉ nên từ 3-5 câu/đoạn thôi. Nếu không bạn sẽ mắc lỗi Wall Of Text khiến người ta ngán đọc đấy!
Bước 8. BỔ SUNG CÁC Ý CÒN THIẾU

+ Bước này chỉ làm sau khi đã cắt bỏ. Vì sau khi cắt, có thể mình đọc lại sẽ thấy chưa đầy đủ ý thi sau khi đọc lại phải bổ sung vào.

+ Xem lại mình đã viết đủ ý chưa, nếu chưa thì viết thêm vào. Một ý phải viết sao cho hết ý để người đọc cảm thấy đã, không cảm thấy thiếu thiếu gì đó.

Bước 9. ĐỌC LẠI TOÀN BỘ BÀI VIẾT 

Đọc và điều chỉnh đến khi nào tự bản thân bạn cảm thấy hài lòng với bài viết nhé!

Nhớ là cần xác định mục tiêu bài viết trước khi viết. Khi nào đọc xong thấy đã thỏa mục tiêu ban đầu, và đã trải qua toàn bộ quá trình tự biên tập ở trên thì bạn có thể gửi bài được rồi đấy!

Time to Submit
Hoàn tất và gửi bài đi thôi nào 🙂

Để phát triển trong quá trình viết, bạn cần thường xuyên bồi dưỡng khả năng tự biên tập cho mình. Sửa từ từ từng chút một, làm tốt được đoạn nào thì hay đoạn đó. Nâng cao từ từ lên. Rồi từ từ bạn sẽ có câu hay. Từ câu hay sẽ có đoạn hay. Từ đoạn hay sẽ có bài hay. Đồng thời học được các chọn lựa từ ngữ cho tốt nữa.

3. BONUS một vài ý hay ho cho bài viết của bạn

+ Khi viết đừng dừng lại vì sẽ bị ngắt mạch, soát lỗi chính tả sau.

+ Nếu cảm thấy ý tưởng trình bày ra mà bản thân vẫn thấy chán quá, thì nên bỏ bài đó đi, viết lại bài khác sẽ nhanh hơn.

+ Đôi khi không phải cứ tham khảo là tốt, như vậy sẽ làm mất đi phong cách viết của bạn. Cá nhân mình thì cảm thấy chỉ nên lướt lướt để có ý tưởng, rồi từ ý tưởng đó tự viết ra theo cách hiểu của mình.

+ Bạn cần định hình các ý trước khi viết để bài viết đảm bảo đủ các ý đó, không bị thiếu ý. Tốt nhất là nên viết dàn bài trước khi viết bài nha!

Page Break

Với những gì mình chia sẻ trên đây, hy vọng sẽ giúp bạn có được một bài viết mà bản thân bạn đã hài lòng trước khi nhấn nút gửi. Không quá khó phải không? Bạn cứ thử làm một vài lần sẽ quen. Nhiều khi sẽ thành thói quen và nhờ đó bài viết của bạn sẽ lên một level mới đấy!

Lượt sau mình sẽ chia sẻ về cách viết một bài viết thể hiện được đúng mục tiêu là như thế nào nhé!

Hẹn gặp bạn ở bài viết sau 🙂

HỌC gì? ĐỌC gì? XEM gì? khi làm Content Marketing (Phần 1)

Thu Hiền

Cung Ma Kết.
Thích náu mình trong con chữ.
Vẫn đang đi tìm sự tự do mỗi ngày.

Bạn cũng có thể thích

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *