Có thể bạn đã từng nghe đến phương pháp Design Thinking nhưng chắc đây là lần đầu bạn nghe đến phương pháp Tư Duy Kiến Tạo phải không? Cũng dễ hiểu thôi vì phương pháp này hiện chưa quá phổ biến và mới chỉ được áp dụng tại các trường học theo mô hình Trường học Kiến tạo. May mắn được làm việc tại Hệ thống Trường học Kiến tạo ICS, Hiền đã được thấm nhuần và học hỏi được nhiều điều hay từ phương pháp thú vị này. Giờ thì cùng xem nó có gì hay ho nhé!
Phương pháp Tư Duy Kiến Tạo là gì?
Phương pháp Tư Duy Kiến Tạo (Design Thinking) được biết tới thông qua nhà giáo dục Kiran Sethi, người khởi xướng phong trào trẻ em Design For Change – nơi các em dùng phương pháp này để đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề cộng đồng xung quanh mình.
Phương pháp Design Thinking có thể hiểu đơn giản là lối tư duy “I Can” – “Tôi có thể” giúp các em học sinh phát triển tư duy, học cách giải quyết những vấn đề khác nhau với góc nhìn đa chiều, thực tế và hữu ích.
Vì đối tượng chủ yếu của Tư Duy Kiến Tạo là học sinh nên cách thức áp dụng của nó cũng khá đơn giản. Cá nhân mình thấy phương pháp này có thể áp dụng được cho cả người lớn và rất hiệu quả. Đặc biệt, những lợi ích này sẽ gia tăng hơn nhiều khi được áp dụng thường xuyên.
Lợi ích của phương pháp Tư Duy Kiến Tạo là gì?
- Học tiếng Việt có thể giúp các bạn viết chữ, viết các thông điệp trên các poster trong dự án.
- Học cộng, trừ, nhân, chia giúp các bạn tính toán được những chi phí cần thiết phải bỏ ra khi làm các hoạt động gây quỹ như thế nào, tính giá sản phẩm ra sao để có thể thu lời và đóng góp quỹ.
- Học tiếng Anh tốt giúp các bạn tìm kiếm được những ý tưởng hay ho, những tài liệu tham khảo đáng quý từ nhiều bạn nhỏ khác trên thế giới để áp dụng thêm cho dự án mình đang thực hiện.
Đi thẳng vào vấn đề, phương pháp này giúp học sinh kết nối kiến thức, áp dụng những gì đã học vào thực tế, đồng thời học được cách tư duy toàn diện để có được những giải pháp giải quyết đúng vấn đề đã đưa ra.
- Giúp học sinh phát huy được óc quan sát, trí tưởng tượng, hình thành tư duy giải quyết vấn đề.
- Chủ động đưa ra những giải pháp cho bản thân, nhìn nhận được những điểm hay và thiếu sót khi áp dụng vào thực tế.
- Tăng cường kết nối, phát triển mối liên kết một cách tự nhiên và tự tin hơn trong việc chia sẻ suy nghĩ, ý tưởng, cách làm của mình.
Với người lớn, áp dụng phương pháp giúp chúng ta hình dung được kết quả mong muốn, hình dung được những gì có thể xảy ra và đưa ra được những giải pháp ứng biến phù hợp.
4 bước chính trong phương pháp Tư Duy Kiến Tạo
Phương pháp Tư Duy Kiến Tạo” (Design Thinking) gồm 4 bước FEEL – IMAGINE – DO – SHARE (gọi tắt là 4 bước FIDS).
Cụ thể là:
- FEEL (Quan sát): Rèn luyện óc quan sát, liệt kê và đánh giá hiện trạng vấn đề.
- IMAGINE (Tưởng tượng): Phát huy óc tưởng tượng, sáng tạo, mở rộng tầm nhìn và hình dung để tìm cách giải quyết.
- DO (Hành động): Thực hiện giải pháp với tư duy phản biện, tinh thần dấn thân và sẵn sàng học hỏi. Nếu thất bại, tự rút ra những kinh nghiệm hữu ích để thay đổi, cải tiến giải pháp cho đến khi thành công.
- SHARE (Chia sẻ): Chia sẻ câu chuyện của mình, kết nối và truyền cảm hứng đến mọi người xung quanh, kêu gọi mọi người cùng chung tay thực hiện giải pháp.
Lập kế hoạch theo phương pháp Tư Duy Kiến Tạo
Giờ tới phần chính nhé! Để dễ hình dung, Hiền sẽ lấy ví dụ cụ thể luôn về việc nếu được giao task lập kế hoạch tổ chức Trung Thu cho các em học sinh tại trường thì áp dụng như thế nào nha!
Bước 1: Feel – Hãy dành thời gian thật nhiều cho bước này
Thông thường ở ICS, khi được giao làm một hoạt động nào đó, tụi mình được toàn quyền trong việc lên ý tưởng, và thuyết phục mọi người xem ý tưởng đó có ổn không, có phù hợp với mong muốn và mục tiêu chung hay không, đặc biệt là để lại điều gì cho học sinh của mình nữa. Do đó, áp dụng 4 bước FIDS là cách phù hợp nhất để dự liệu mọi thứ.
Dưới đây là những câu hỏi mình thường xuyên sử dụng để lên ý tưởng và chọn lọc ý tưởng phù hợp với mục tiêu hoạt động:
- Người tham gia là ai? Họ mong muốn điều gì?
- Người tổ chức (là chúng ta) mong muốn điều gì? Mục tiêu mà bạn muốn đạt được?
- Làm sao để những điều đó có thể gặp nhau trong sự kiện mà bạn tổ chức?
- Những nội dung nào cần được chú ý?
- Những điều gì cần đạt để sự kiện được thành công?
Lấy ví dụ, với Lễ Trung Thu, người tham gia của tụi mình là học sinh. Các bạn nhỏ sẽ rất háo hức được làm lồng đèn, phá cỗ, ăn bánh Trung Thu, tham gia các hoạt động vui chơi có liên quan như cùng nhau rước đèn, múa lân,… Mục tiêu của tụi mình khi tổ chức là để các bạn học sinh hiểu hơn về Trung Thu, hình dung được trong đó có gì, ý nghĩa của Trung Thu và làm sao để đảm bảo hoạt động an toàn, vui vẻ, không bát nháo.
Dựa trên những mục tiêu của cả hai bên, tụi mình sẽ brain storm những hoạt động nào nên có trong sự kiện, sau đó đối chiếu lại xem nếu có những hoạt động như vậy thì có đáp ứng được những mục tiêu mà học sinh mong đợi hay không? Có đảm bảo mục tiêu mà tụi mình hướng tới hay không? Rồi lựa chọn những hoạt động thỏa mãn mục tiêu của đôi bên. Kế hoạch cứ từ đó mà ra thôi.
Nên dành thời gian cho bước này nhiều. Khi đó bạn sẽ thấy đứng ở mong muốn của người tham gia để suy nghĩ và làm hoạt động cũng thú vị lắm đấy!
Bước 2: Imagine – Tưởng tượng bạn sẽ làm gì để thực hiện những điều đó
Bước này đơn giản là hình dung xem quá trình tổ chức sự kiện có thể có vấn đề hay tình huống gì có thể phát sinh và chúng ta có thể có những giải pháp như thế nào để không bị mất kiểm soát khi xảy ra vấn đề/tình huống đó.
Một số câu hỏi mà bạn có thể sử dụng để tưởng tượng trước nè:
- Có những cách thức nào để thực hiện những mục tiêu mình đã lên?
- Người tham gia sẽ cảm thấy như thế nào khi tham gia sự kiện này?
- Có điều gì đó chưa ổn hay không?
- Có thể thay đổi để giúp chương trình tốt hơn hay không? Bằng cách nào?
VD: Đối với số lượng học sinh đông, làm thế nào để có thể tập trung học sinh? Phân chia khu vực như thế nào để đảm bảo mỗi lớp đều có không gian riêng nhưng vẫn hòa chung vào không gian chung của toàn thể trường? Làm sao để các em có thể tự tay làm lồng đèn và được tham gia rước đèn, phá cỗ cùng nhau?…
Những câu hỏi càng cụ thể, càng chi tiết sẽ giúp sự kiện của bạn được chuẩn bị tốt nhất có thể.
Bước 3: Do – Dựa trên những gì đã nghĩ ở 2 bước trên để lập ra một kế hoạch hoàn chỉnh
Với những chuẩn bị ở phía trên, có thể bạn đã có cả trang giấy cho những hoạt động có thể diễn ra như thế nào rồi phải không nào? Hãy gom những ý tưởng đó lại và tạo nên một kế hoạch hoàn chỉnh, đủ để tất cả mọi người khi đọc vào có thể hình dung mình cần làm gì, làm như thế nào, có vai trò gì trong toàn bộ kế hoạch tổng thể.
Một số lưu ý cho bước này:
- Ghi thật rõ ràng, chi tiết những gì sẽ phải làm
- Cần có ghi chú về mặt thời gian để thực hiện theo đúng tiến độ
- Kiểm tra thật kỹ mọi khâu tổ chức
Bước 4: Share – Chia sẻ với những người cùng thực hiện để nắm rõ nội dung và triển khai chi tiết
Cái này giống như họp rút kinh nghiệm vậy, nhưng thay vì chỉ rút kinh nghiệm ở những chỗ làm chưa tốt, chúng ta cũng sẽ chia sẻ những điều đã làm tốt nữa và cố gắng phát huy trong những sự kiện sau.
Với các dự án của học sinh ở trường mình thì bước này là bước thú vị nhất, khi các con có thể hình dung lại toàn bộ quá trình mình đã làm và chia sẻ những thành phẩm, sản phẩm đã thực hiện được với Ba Mẹ. Đây cũng là cách để truyền cảm hứng cho các con, thúc đẩy các con làm tốt hơn nữa, lan tỏa tinh thần I Can – Con Có Thể nhiều hơn nữa trong các hoạt động trong và ngoài trường.
Bài viết này chủ yếu mình viết để có thể lưu lại những gì đã học được trong quá trình làm việc và học hỏi tại trường. Không biết có giúp cho mọi người được thêm chút nào hay không nhưng hi vọng sẽ giúp mọi người có thêm một cách thức mới mẻ để nhìn nhận cho việc lên kế hoạch. Với 4 bước FIDS, Hiền tin là mọi thứ sẽ được hình dung đầy đủ và sự chuẩn bị của chúng ta cũng sẽ chu đáo hơn cho một sự kiện. Mong rằng bài viết đã mang tới điều gì đó bổ ích cho bạn nhé!
Hẹn gặp lại bạn ở những bài viết sau của Hiền nhé!
Đọc thêm các bài viết khác trong chủ đề có liên quan:
- Bạn đã biết cách gọi món ăn trong nhà hàng?
- Bạn đã biết cách nhận (quà) như thế nào cho phù hợp chưa?
- Học Cách Biết Ơn Để Cảm Thấy Cuộc Đời Này Đẹp Biết Bao
- Tôi Đi Học Lớp Viết Chữa Lành
- Review cuốn sách “Mình Nói Gì Khi Mình Nói Về Hạnh Phúc” – Rosie Nguyễn
- Bạn đã chạm đến breaking-point của mình chưa?
- Vì sao người ta thường hoang mang và lo sợ sau khi thất nghiệp?