Trong cuộc sống, hầu như ai cũng có những vấn đề riêng gây ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng sống của bản thân. Mỗi người lại chọn những cách khác nhau để giải quyết vấn đề của mình như trò chuyện cùng bạn bè, đọc sách, thư giãn, gặp gỡ chuyên gia,… Và mình thì chọn viết. Lớp Viết Chữa Lành đến với mình cũng tình cờ như duyên phận vậy.
Đầu năm 2020, trong một lần lang thang trên facebook, mình tình cờ đọc được thông tin về lớp Viết Chữa Lành. Sau khi tìm hiểu và xem nội dung khóa học, mình quyết định đăng ký tham gia. Lớp học được tổ chức trong 2 buổi chiều, mỗi buổi 3 tiếng. Dù chỉ có 2 buổi chiều ngắn ngủi nhưng mình đã học được nhiều điều giá trị có thể giúp ích được bản thân trong thời gian lâu dài
Vậy thì, Hiền đã học được gì sau khi tham gia lớp Viết Chữa Lành?
1. Hiểu thêm về liệu pháp Viết Chữa Lành
Bạn đã nghe tới khái niệm Trị Liệu Nghệ Thuật chưa? Trị Liệu Nghệ Thuật là một loại hình trị liệu xem nghệ thuật như cách để giao tiếp, thể hiện, khám phá suy nghĩ và cảm xúc của mỗi cá nhân. Khi thể hiện được cảm xúc và suy nghĩ, bạn sẽ dễ dàng đối mặt và giải quyết nỗi buồn cũng như vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Trị Liệu Nghệ Thuật giúp những người cảm thấy khó khăn khi diễn tả cảm xúc bằng lời nói có thêm một cách thể hiện bản thân mà không cần ngôn từ.
Có nhiều dạng trị liệu nghệ thuật như:
- Múa chuyển động
- Kịch ứng tác
- Vẽ Doodle
- Chụp ảnh/Origami
- …
Trong đó Writing Therapy – Viết Trị Liệu cũng là một liệu pháp để chữa lành.
Viết Chữa Lành hiểu đơn giản là sử dụng việc viết để trị liệu vết thương tâm lý hay một tổn thương nào đó về tinh thần mà bạn chưa giải quyết được. Khác với viết bình thường, Viết Chữa Lành hướng tới việc giúp bạn giải tỏa cảm xúc, thông qua việc viết để giúp bạn nhìn nhận rõ ràng hơn vấn đề của bản thân.
Tại lớp Viết Chữa Lành, bạn sẽ được hướng dẫn cách để viết ra những cảm xúc của bản thân, từ đó giải thoát những suy nghĩ tiêu cực và xoa dịu những tổn thương về tinh thần.
2. Học cách tự chữa lành bằng cách kết nối với bản thân
Có một điều chắc chắn, đo là việc viết ra những vấn đề của bản thân và đối diện với nó không bao giờ là điều dễ dàng. Để có được sự dũng cảm đó, bản thân chúng ta phải mở lòng để kết nối với chính mình, cho phép mình được tự do bộc lộ cảm xúc và viết ra những gì mình muốn nói. Vậy nên, Viết Chữa Lành mang đến cho bạn cơ hội để kết nối với bản thân.
Bước vào lớp học, tụi mình được hướng dẫn từ từ từng bước nhỏ. Từ thử thách viết liên tục trong 5 phút đến những thử thách listing đơn giản, sau đó nâng dần lên với việc mượn truyện kể chuyện hay đối thoại với em bé ở bên trong mỗi người.
Có 3 nguyên tắc cơ bản trong khóa học mà tụi mình được dặn ngay từ đầu buổi đầu tiên để đảm bảo có thể đạt được hiệu quả tốt nhất, đó là:
- Viết điều đầu tiên xuất hiện trong đầu
- Viết liên tục, không gạch xóa, không đúng sai, không tư duy và không sửa chữa
- Viết dũng cảm
Đây là những nguyên tắc cơ bản trong quá trình viết mà cô giáo sẽ nhắc nhở thường xuyên để bạn có thể thực hiện các bài tập một cách dễ dàng. Rồi bạn sẽ cảm thấy, thì ra viết những cảm xúc của mình không có gì là khó cả. Điều duy nhất bạn cần làm đó là lắng nghe bên trong mình và cứ để viết ra thôi 🙂
Người ta nói rằng bậc thầy lừa dối bạn không ai khác ngoài chính bản thân bạn. Đến với Viết Chữa Lành khi bạn viết những con chữ ấy cho chính mình, là lúc bạn sống thật với bản thân. Không cần quan tâm những câu chữ mình viết vô lý cỡ nào, kỳ quặc cỡ nào, xấu xí cỡ nào, chỉ cần nó hiện ra trong đầu thì bạn hãy cứ viết. Dù có cảm thấy những gì viết ra thật xấu hổ, bất mãn, trẻ con, tổn thương, đau buồn, dở tệ… thế nào đi chăng nữa thì hãy cứ viết đi vì đó vốn là chính bạn.
Mình khá chắc rằng khi bạn đọc lại những câu từ ấy, bạn sẽ cảm thấy biết ơn biết bao nhiêu khi đã nói ra được những gì bạn muốn nói. Và có khi sẽ may mắn hơn nhận ra những vấn đề mình cố giấu bao lâu nay bỗng nhiên hiện ra rõ ràng trên những trang viết ấy.
3. Viết Chữa Lành đã khiến mình nhận ra vấn đề lớn ở bản thân
Trước khi đi học lớp Viết Chữa Lành, bản thân mình đã từng trải qua một vài biến cố và tự thấy khá ổn với bản thân. Thế nên khi đi học, mình nghĩ rằng sẽ chỉ học cho biết là chính chứ những vấn đề của mình đều đã được giải quyết ổn thỏa rồi. Thế mà mọi thứ lại không như mình nghĩ.
Trong quá trình học có một bài tập là “mượn truyện kể chuyện”, có nghĩa là mình sẽ mượn một câu chuyện nào đó quen thuộc để kể về câu chuyện của mình. Khi những lớp rào chắn dần dần bị gỡ bỏ, khi mình cho phép những suy nghĩ sâu xa bên trong mình được bộc lộ ra và hòa vào mạch kể của câu chuyện quen thuộc, đột nhiên những vấn đề bấy lâu tưởng đã an yên bỗng nhiên trỗi dậy và lên tiếng. Trong lúc viết ra câu chuyện đó mình đã khóc. Cảm xúc như vỡ òa khi mình chợt nhận ra cái biến cố ngày nào mình tưởng vượt qua nhanh chóng hóa ra vẫn còn ở đó, là vết thương đau lòng mà mình vì không muốn yếu đuối đã tự dồn nén nó xuống sâu hơn trong tiềm thức, tự nói dối bản thân rằng mình ổn đến mức mình tin là thật, và đến hôm nay nó được mở cánh cửa ra, để về lại với mình. Mình nhớ là mình đã khóc khá nhiều, kể cả khi chia sẻ cũng không thể nào nói ra được. Cứ nghĩ tới là thấy ứa nước mắt, không kìm chế được.
Cô giáo bảo là, khóc được là tốt. Đó là khi bạn được xả độc, là khi cảm xúc của mình sẽ dần được giải tỏa đi và mình cũng hiểu rõ bản thân mình nhiều hơn. Điều quan trọng là mình sẽ lựa chọn điều gì tiếp theo, để có thể vượt qua được điều đó. Và phải thành thật với bản thân mình, bên trong mình nữa.
Cô giáo cũng bảo, trong buổi 1, thường là khi nhận ra được vấn đề của bản thân thì về nhà sẽ cảm thấy rất đau đầu, rất mệt mỏi. Có nhiều người vì thế mà bỏ lớp, không tiếp tục khóa học. Thực ra đó là cơ chế phòng vệ của bản thân thôi. Vết thương làm mình đau và mình muốn trốn tránh nó, nên thường cơ thể sẽ tạo ra một lý do nào đó thích hợp để mình không quan tâm tới vết thương lòng đó liền được, ví dụ như mình bị ốm rồi, mình phải quan tâm tới cái chuyện hết ốm trước đã.
Nhưng nếu bạn chỉ dừng ở buổi này mà không đến với buổi tiếp theo, cũng như khi bạn đang được phẫu thuật, bác sĩ banh hết bụng bạn ra và tìm thấy vết thương, sau đó bạn lại không tiếp tục để bác sĩ chữa trị, thì vết thương đó chẳng thể lành được, thậm chí còn ảnh hưởng rất không tốt với bạn.
Vì vậy, nếu có đi học thì hãy học thật đầy đủ nhé! Hãy dũng cảm để đối diện với vấn đề của mình. Bạn đi học là để chữa lành cho mình mà, có phải không?
4. Một vài kỹ thuật thú vị có thể áp dụng ngay để phát triển việc viết
Trong quá trình học, Hiền cũng học được một vài kỹ thuật thú vị bạn có thể áp dụng thường xuyên để phát triển cho việc viết.
- Morning Page: Khi ngủ dậy viết liền 3 trang giấy đầy chữ, không cần suy nghĩ, không cần đúng sai. Cách này giúp khơi gợi nhiều thứ, chủ yếu viết để xả cảm xúc.
- Night Review: Viết lại về (1) những gì đã làm được/chưa làm được, (2) điều gì làm mình vui, (3) điều gì làm mình buồn, (4) điều gì khiến mình không thoải mái trong ngày.
Viết xong bạn nên dành thời gian để đọc lại những gì mình đã viết.
Thông thường, sau một năm chúng ta thường không thấy mình phát triển hay làm được gì, nhưng thực ra không phải vậy. Với việc viết night review và đọc lại, bạn sẽ thấy có thể đầu tháng bạn băn khoăn về vấn đề A nhiều, bạn có thể sẽ viết rất nhiều về nó nhưng đến giữa tháng có khi bạn đã giải quyết được và không còn nghĩ về nó nhiều nữa. Như vậy là bạn đã có sự khác biệt rồi.
Viết Night Review không chỉ để tổng kết mỗi ngày mà quan trọng hơn là review cho cả ngày, cả tuần, cả tháng; để nhận ra có nhiều thứ chúng ta đã phát triển, đã hết băn khoăn, đã có sự tiến bộ và trưởng thành. Ý nghĩa của viết Night Review là để giúp chúng ta nhìn lại tiến trình chúng ta đã phát triển và vượt qua những vấn đề của bản thân như thế nào.
5. Mình muốn đi học lớp Viết Chữa Lành thì có thể học ở đâu?
Bạn có thể tìm hiểu thông tin về các lớp Viết Chữa Lành tại ĐÂY nhé!
Ngoài các lớp Viết Chữa Lành, cô giáo còn mở các lớp Viết Trù Phú, Viết Sáng Tạo, Viết Sự Nghiệp nữa. Học phí hiện thời đã tăng (hồi mình học là 700k, giờ thì là 1.200k rồi nè).
Bạn có thể inbox fanpage để có được thông tin chính xác nhất nhé!
Đọc thêm các bài viết khác có liên quan: